Tranh cãi về đập thủy điện trên sông Mekong

Việc xây đựng đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường và phát triển, các nhà khoa học Việt Nam cảnh báo.

Hôm qua, cuộc họp tham vấn lần hai cấp quốc gia Việt Nam về việc Lào định xây đập thủy điện Xayaburyđã được tổ chức tại Quảng Ninh. Ý kiến của các chuyên gia sẽ được chuyển cho Ủy hội sông Mekong (MRC). Ủy hội do các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia sáng lập.

Xayabury là một trong 12 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mekong. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách Đồng bằng sông Cửu Long 1.930km. Đập thủy điện dự kiến dài 810 m, công suất dự kiến 1.260 MW. Hầu hết sản lượng điện sẽ được bán cho Thái Lan.

Tháng 10/2010, Lào gửi thông báo về dự án xây dựng đập Xayaboury cho các nước thành viên MRC. Ban Thư ký đã yêu cầu cung cấp các thông tin theo đúng quy định: bao gồm thông báo, tham vấn và thỏa thuận (PNPCA). Ủy hội cũng yêu cầu các nước trong khu vực sông tiến hành quá trình tham vấn trong 6 tháng, sau đó gửi báo cáo cho MRC, để đi đến phương án thống nhất vào tháng 4/2011.

tt595

Vị trí Lào dự định xây đập Xayabouri. Ảnh: internationalriver.org

Chính phủ Lào và Thái Lan rất muốn xây dựng dự án này và hai bên đã có thỏa thuận về giá bán điện. Cả hai nước cho rằng, các tác động xuyên biên giới của dự án thủy điện trên chỉ mang tính vật lý, sinh học, dự án chủ yếu cản trở đường di cư của cá.

Phía Lào khẳng định dự án trên không có tác động đến môi trường và họ có đủ thẩm quyền để phê duyệt xây dựng vì đập này đặt tại lãnh thổ của Lào. Chính phủ Thái Lan cũng đồng tình khi họ là nước sẽ mua được nguồn điện lớn từ dự án này, theo tin trên Bangkok Post.

Các nhà đầu tư dự án Xayabury, gồm hai công ty của Thái Lan, nói đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không gây tác hại.

Các tổ chức môi trường Thái Lan và tại diễn dàn phi chính phủ nước này cũng kêu gọi Thủ tướng Thái Lan hủy cam kết của Công ty Điện Thái Lan (EGAT) về việc mua điện từ đập Xayabury. Theo tờ Bangkok Post, hiện Thái Lan đã tổ chức 3 buổi tham vấn về việc xây dựng đập nói trên. Tại các hội thảo, nhiều ý kiến phản đối vì dự án trên ảnh hưởng lớn tới người dân sống dọc theo sông Cửu Long, cần hoãn lại cho đến khi có những nghiên cứu đầy đủ nhất. Thái Lan vẫn chưa đi đến phương án thống nhất để gửi về MRC.

Campuchia cũng lên tiếng về việc xây dựng đập Sayabury khi con đập này sẽ ngăn chặn nguồn lợi từ cá, ngăn cản sự di cư của cá là thảm họa về an ninh lương thực lẫn dinh dưỡng.

Giáo sư So Nam từ Viện Nghề cá ở Phnom Penh phát biểu tờ Cambodia Daily mới đây: “Người dân phụ thuộc hoàn toàn vào cá. Đây là nguồn việc làm của hơn 6 triệu người”. Đại diện Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ở Campuchia, Gordon còn cảnh báo về nguồn protein từ cá sẽ biến mất, thay vào đó Campuchia sẽ mất phí tổn để nhập thêm thịt”.

Giám đốc Diễn đàn NGO Campuchia, bà Chhit Sam Ath cũng bày tỏ lo ngại về việc thiếu các thông tin dự án thủy điện Xayaburi. Campuchia ủng hộ đề xuất của WWF là lùi việc xây đập thêm 10 năm nữa.

tt594

Vị trí xây đập Sayabouri. Ảnh: International River.

Tại Việt Nam, nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học cũng lên tiếng phản đối việc xây đập Xayaburi. Trao đổi với VnExpress, ông Tô Văn Trường, Viện nghiên cứu thủy lợi miền nam, phân tích rằng dự án nhà máy thủy điện Xayaboury nếu được xây dựng sẽ gây ra những tác động môi trường to lớn. Với kiểu đập dâng thường thì thường điều tiết nước theo ngày, trữ nước trong ngày và phát điện giờ cao điểm. Khi trữ nước thì phía hạ lưu không có dòng chảy nên sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng nước dưới hạ lưu, ảnh hưởng các loài thủy sinh, giao thông thủy gặp khó khăn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sâu hơn.

Giáo sư Phạm Hồng Giang, Ủy hội Đập lớn thế giới, cho rằng nếu dự án thủy điện Xayaboury được thông qua sẽ là tiền lệ để các dự án khác trên dòng chính tiếp bước. Ông Giang đề nghị MRC nên xem xét vấn đề này một cách cẩn trọng.

“Không nên xây dựng thủy điện trên dòng sông chính, mà chỉ nên xây dựng trên dòng nhánh. Việc xây dựng các dòng sông nhánh này cũng nên chờ 10 năm nữa khi có nghiên cứu sâu hơn theo cảnh báo của Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế. Suy cho cùng không có đập là phương án tốt nhất cho tất cả các nước”, giáo sư Giang nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, không nên xây dựng đập thủy điện Xayabury. Ông Hòe phân tích, nếu xây dựng đập này, nó sẽ hủy hoại môi trường sống và hệ sinh thái sông Mekong, gây nguy hiểm cho hệ động thực vật phong phú, nhất là loài cá, từ đó ảnh hưởng tới đời sống những người dân đang sống phụ thuộc vào nguồn này.

Ông Hòe lo ngại rằng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đứng trước hai nguy cơ: thay đổi dòng chảy tự nhiên và nước biển dâng một khi đập Xayabury được xây dựng. Tình trạng nhiễm mặn có thể ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu người đang sinh sống và canh tác trên đồng bằng.

Tại hội nghị tham vấn lần thứ nhất được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ giữa tháng trước, các nhà khoa học Việt Nam đều nhất trí không nên xây dựng bất cứ con đập nào trên dòng chính sông Mekong, hay ít nhất là lùi thời hạn xây dựng đập để nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn.

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của MRC vào cuối năm ngoái đề nghị rằng những quyết định về việc xây đập trên dòng chảy chính, gồm cả đập Xayabury, nên được trì hoãn thêm 10 năm nữa do những hiểm họa to lớn từ con đập.

 

 

(Theo Vnexpress.net)