Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm tại Nam Định

vv173Dự án “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam” (IGPVN) của Chính phủ Đức vừa phối hợp với Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước (QH & ĐTTNN) tổ chức Hội thảo về kết quả thực hiện dự án IGPVN tại Nam Định với sự tham dự của gần 60 đại biểu gồm: Dự án IGPVN, Trung tâm QH & ĐT TNN, Sở TN & MT tỉnh Nam Định và một số cơ quan liên quan.

Vùng nghiên cứu Dự án gồm 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng được triển khai từ năm 2008. Giai đoạn 1 thực hiện tại Nam Định, bởi cấu trúc địa chất ở đây phức tạp, nguồn nước mặt bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Nguồn nước ngầm nằm sâu, tương đối giàu nước nhưng tốc độ khai thác vượt quá tốc độ bổ cập, gây nhiễm mặn và hạ thấp mực nước dưới đất (NDĐ).Từ năm 1995-2009 mực nước tầng nông không thay đổi, nhưng mực nước ngầm sâu giảm từ 0.4 đến 0,7m/năm.
PGS.TS. Phạm Quý Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm QH& ĐTTNN cho biết: Sau 4 năm triển khai, Dự án IGPVN đã tiến hành điều tra hiện trạng khai thác NDĐ tại Nam Định. Kết quả cho thấy, nhu cầu sử dụng nước trung bình theo đầu người là 215 lít/ngày, tổng lượng nước ngầm dùng cho sinh hoạt khoảng 185.000 m3/ngày. Dự án đã thiết lập 10 trạm quan trắc nước ngầm với 23 giếng tại 10 xã của 7 huyện trong tỉnh; đưa hệ thống quan trắc NDĐ trên địa bàn với 33 giếng, nâng cao khả năng quan trắc 4 tầng chứa NDĐ; thiết lập mô hình hóa NDĐ; tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn và tiếng Anh cho đội ngũ CBNV các sở trong vùng Dự án như: ArcGis, mô hình hóa địa chất thủy văn… Ông Nhân cho rằng: Để làm tốt công tác quản lý TNN cần kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm, quan trắc nước ngầm trong tương lai; tối ưu hóa, giảm bớt khai thác nước ngầm. Bảo vệ tài nguyên nước ngầm đòi hỏi nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, có chiến lược quản lý TNN nhằm duy trì nguồn nước ngầm cho các thế hệ tương lai. Ông Vũ Minh Lượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở TN & MT Nam Định khẳng định: Kết quả hoạt động của Dự án trong giai đoạn 1 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho tỉnh Nam Định, đề nghị Dự án tiếp tục hỗ trợ cho Nam Định trong việc bàn giao mạng lưới quan trắc, các tài liệu, số liệu kết quả của Dự án để tỉnh quản lý và sử dụng có hiệu quả; tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ can bộ từ tỉnh tới huyện, xã; đầu tư kinh phí, tài liệu cho công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong việc thực thi pháp luật TNN, bảo vệ khai thác, sử dụng hiệu quả TNN.
Các đại biểu dự Hội thảo trao đổi khá sôi nổi về kết quả của Dự án cũng như các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước ngầm tại Nam Định.
vv174
vv175
 
 
(Theo Monre.gov.vn)