Một Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế về Tham vấn trước Đề xuất Dự án Thủy điện dòng chính Xayaburi đã được tổ chức 19/4/2011 tại Tp Viên Chăn, CHDCND Lào, nhằm đáp ứng thời hạn 22/4/2011 của quá trình Tham vấn trước.
Dự án Thủy điện dòng chính Xayaburi là đề xuất sử dụng nước đầu tiên trên dòng chính sông Mê Công do vậy cần phải có quá trình tham vấn sâu rộng ở cả cấp độ quốc gia và khu vực như được quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Quá trình tham vấn 6 tháng được bắt đầu từ ngày 22/10/2010 khi nhận được thông báo về Dự án và có thể được gia hạn nếu cần thiết. Ở cấp độ khu vực, một Nhóm công tác đặc biệt đã được thành lập nhằm hỗ trợ thảo luận ở cấp kỹ thuật giữa các quốc gia thành viên, đồng thời các đợt tham vấn quốc gia đã được tiến hành tại cấp độ quốc gia. Tại Việt Nam, hai Hội thảo tham vấn quốc gia đã được tổ chức tại Tp Cần Thơ (Tháng 1/2011) cho nhân dân địa phương và tại Tp Hạ Long (tháng 2/2011) cho các cơ quan trung ương. Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế cũng ủy nhiệm cho một nhóm chuyên gia đa ngành, bao gồm thủy sản, phù sa và thiết kế an toàn đập để rà soát các tài liệu Dự án đã nộp nhằm hỗ trợ cho các đợt tham vấn khu vực và quốc gia.
Trước Phiên họp này, 3 quốc gia thành viên là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã gửi tới Ban Thư ký Ủy hội Mẫu trả lời Tham vấn trước để thực hiện các nghĩa vụ của mình theo yêu cầu của Thủ tục. Các tuyên bố quốc gia trong Mẫu trả lời Tham vấn trước đã được các Trưởng đoàn nhắc lại tại phần mở đầu của Phiên họp. Tất cả các phát biểu đều đặc biệt đề cập đến các quan ngại và lo lắng được nêu trong các đợt tham vấn quốc gia bởi các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và các bên có liên quan. Họ cũng đề cập đến các quan ngại về việc quyết định được đưa ra trong bối cảnh thiếu các thông tin và số liệu một cách đáng báo động về các tác động tiềm tàng xuống hạ lưu.
Việt Nam và Campuchia trong khi đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của CHDCND Lào trong nghiêm túc thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 nói chung và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận nói riêng, đã kêu gọi gia hạn quá trình tham vấn trước, và thậm chí trì hoãn 10 năm việc ra quyết định nhằm có các nghiên cứu tiếp theo và kiến thức tốt hơn. “Trong khi hoàn toàn tôn trọng các nhu cầu phát triển của CHDCND Lào, chúng tacó trách nhiệm bảo vệ đời sống của 20 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tài sản vô giá của hệ đa dạng sinh học độc đáo của Đồng bằng, là những đối tượng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng theo các đánh giá gần đây của các chuyên gia quốc tế” TS. Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam, phát biểu.
Các mối quan tâm chung về kiến thức kỹ thuật và các nghiên cứu của Dự án, các tác động được dự báo đối với môi trường và đời sống dân cư lưu vực Mê Công, cũng như sự cần thiết gia hạn quá trình tham vấn trước và tăng cường thêm tham vấn cộng đồng đã được đưa ra tại Phiên họp. “Thông tin đầy đủ là rất thiết yếu cho việc xem xét và phải được cung cấp kịp thời để phục vụ cho việc tham vấn hiệu quả với các bên liên quan chủ yếu tại cấp khu vực và quốc gia…cần cung cấp các thông tin bổ sung cần thiết và tham vấn thêm với các quốc gia thành viên nhằm hoàn thiện các lỗ hổng trong hiểu biết về phát triển thủy điện bền vững”, Ngài So Sophort, Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công Campuchia, Trưởng đoàn Campuchia phát biểu. Do vậy, các quốc gia được thông báo đề nghị các quyết định liên quan đến Dự án cần phải được thực hiện với trách nhiệm cao và với sự thận trọng cao nhất, và cảm thấy việc gia hạn quá trình tham vấn trước là tất yếu.
Do các quan điểm khác nhau về vấn đề nêu trên, Phiên họp thống nhất là các Đoàn đại biểu sẽ báo cáo chính phủ mình để nhận được chỉ thị tiếp theo. Quan điểm của các quốc gia được thông báo là Tham vấn trước cần phải được gia hạn và rất tiếc không nhận được sự đồng tình từ phía Đoàn Lào. “Việc trì hoãn này cần được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực nhằm có đủ thời gian cần thiết cho Chính phủ các quốc gia ven sông tiến hành các nghiên cứu toàn diện và cụ thể có tính định lượng hơn đối với tất cả các tác động tích lũy” TS. Trung nhấn mạnh. Phiên họp cũng thống nhất việc Ủy ban Liên hợp, với sự trợ giúp của Ban Thư ký Ủy hội, sẽ trình vấn đề này lên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế mà Phiên họp thường niên dự kiến được tổ chức cuối năm nay.
Mẫu trả lời Tham vấn trước của CHXHCN Việt Nam về Dự án Thủy điện Xayaburi của CHDCND Lào có thể xem tại địa chỉ:
(Theo www.vnmc.gov.vn)