“Nước là tài nguyên quý giá nhưng không phải vô tận”

tt681Chúng tôi gặp Nancy Hammett (ảnh) tại cuộc hội thảo về tài nguyên nước. Chị là một chuyên gia tầm cỡ về vận động chính sách, xây dựng phong trào nhân dân bảo vệ nguồn nước sạch tại nhiều nước trên thế giới.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ngay ở thủ đô Washington. Sau khi lấy chồng, chị chuyển về sinh sống tại thành phố Boston. Trong suốt quá trình làm việc, chị luôn đau đáu vì sự trong sạch của nguồn nước trên trái đất này, bởi với chị, nước là sự sống. Mỗi khi nhìn thấy một dòng sông bị ô nhiễm, một cái hồ chết là lòng chị quặn đau. Chị đã đi nhiều nơi để làm một việc duy nhất đó là vận động, xây dựng phong trào sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch. Trò chuyện với chúng tôi, chị trăn trở: “Nguồn nước ô nhiễm là thảm họa của loài người”. Chị biết thế và chị ra sức bảo vệ nguồn nước, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều chị đang trăn trở. Sự ô nhiễm ngày một tăng khiến người ta quen dần và nhiều khi không còn cảm nhận được nó nữa. Chỉ có sức khoẻ ngày càng bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống ngày càng xuống thấp… nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó.

Chị kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi, về nỗ lực trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Điều chị lo lắng nhất là người dân nhiều nơi còn coi thường tài nguyên nước, họ không hình dung ra nếu nước bẩn thì cuộc sống sẽ bất hạnh nhường nào. Đã có không ít cuộc chiến tranh vì một dòng sông, kẻ thù đã đầu độc dòng nước để tiêu diệt đối phương và hơn thế nữa. Tuy nhiên, nhiều khi người ta lại cho rằng đó là vì chiến tranh, và không có dòng sông này thì vẫn còn dòng sông khác…

Cơ duyên đưa Nancy Hammett đến Việt Nam là từ chồng chị – người hoạt động tình nguyện giúp nhân dân Việt Nam phòng chống HIV/ADS từ 10 năm nay. Mỗi lần từ Việt Nam trở về nhà, chồng chị lại kể cho chị nghe một chuyện hấp dẫn ở Việt Nam, về con người, về các món ăn, về nền văn hóa hàng nghìn năm văn hiến. Thế là hai từ Việt Nam đã ngấm vào tâm trí chị, và chị quyết tâm tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Là một chuyên gia vận động chính sách và xây dựng phong trào tình nguyện bảo vệ môi trường, đặc biệt là nguồn nước sạch, Nancy rất chú ý đến vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những giải pháp trong truyền thông vận động, xây dựng phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận cũng chính là phương thức hoạt động của chị. Chị cảm nhận được nhiệt huyết của mình cũng giống như nhiệt huyết của những cán bộ Mặt trận ở Việt Nam. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc chị đến với đất nước này. Và những gì đọc qua tài liệu còn rất xa với đời sống thực tế đang diễn ra tại Việt Nam. Con người Việt Nam đã khiến chị mê mải, thấy ấm lòng nơi đất khách quê người.

Chúng tôi hỏi chị về kinh tế Việt Nam, chị bảo nhiều nơi trên thế giới còn nghèo hơn đất nước các bạn. Tuy nhiên Việt Nam còn nhiều khó khăn nên mỗi năm Chính phủ chỉ có thể chi 0,2% GDP phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Đó là quá ít, những nước phát triển mỗi năm chi từ 3 đến 4% cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Nancy đã thực hiện nhiều chuyến đi khảo sát nguồn nước sạch ở Việt Nam với những người tình nguyện bảo vệ môi trường và các chuyên gia tài nguyên nước. Làm thế nào để mỗi người dân hiểu được rằng nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Nếu con người không có ý thức bảo vệ nguồn nước thì nước sẽ trừng phạt chính con người. Đó là quy luật tương tác bất di bất dịch, không thể có hai đáp án cho sự cân bằng một phương trình giữa thiên nhiên và sự sống.

Thay đổi hành vi xung quanh ý thức bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ chính tư duy của những nhà lãnh đạo, nhất là những nhà lập pháp. Cần một bộ luật mang tính khoa học cao để thực thi và giám sát việc thực thi ấy. Và theo chị, cần một đội ngũ những người tự nguyện làm truyền thông và vận động chính sách khai thác, bảo vệ môi trường. Ở đó, không có gì tốt hơn là dựa vào tổ chức Mặt trận.

Chị hy vọng rằng Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tiếp nhận và xây dựng phong trào bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có nguồn nước sạch thành công trong tương lai gần.


(Theo Lê Tự – Báo Đại đoàn kết 31/5)