MeKong cần thỏa thuận công bằng, hợp lý

Tọa đàm mở “Thủy điện dòng chính sông MeKong dưới góc nhìn phát triển bền vững”
Làm sao để phát triển nguồn tài nguyên nước sông MeKong bền vững, công bằng, hợp lý giữa các quốc gia cùng sử dụng chung con sông này là nội dung cuộc Tọa đàm mở “Thủy điện dòng chính sông MeKong dưới góc nhìn phát triển bền vững”, diễn ra hôm qua (26-6) tại Hà Nội.

Cuộc tọa đàm do Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD), Mạng lưới cộng tác vì nước Việt Nam (VNWP), Trung tâm phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CIWAREC) và Ủy ban sông MeKong Việt Nam (VNMC) phối hợp tổ chức.

Là con sông quốc tế lớn chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, ngay từ năm 1957, bốn quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã bắt đầu thực hiện hợp tác nhằm phối hợp nghiên cứu hạ lưu vực MeKong. Nhưng phải đến năm 1995, sự hợp tác trong Ủy hội sông Mekong (MRC) mới đạt được khung pháp lý chính thức với “Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông MeKong”. Năm 2010, lần đầu tiên có hội nghị thượng đỉnh MeKong, tại hội nghị này bốn Thủ tướng đã cam kết tăng cường hợp tác nhằm “tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước vì lợi ích chung của các nước ven sông; tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do thiên nhiên và con người gây ra; bảo vệ giá trị lớn lao các hệ sinh thái và sự cân bằng sinh thái”. Tuy nhiên cho đến nay, các quốc gia vẫn chưa thỏa thuận về bất kỳ kế hoạch phát triển nào trên dòng chính MeKong.

Theo chuyên gia Đỗ Hồng Phấn, thành viên của VNWP đã đến lúc các quốc gia sử dụng chung dòng MeKong cần có một quy hoạch sử dụng, phát triển trên dòng chính của MeKong nhằm đảm bảo việc sử dụng chung nguồn nước MeKong một cách công bằng, hợp lý, vì lợi ích chung của các quốc gia.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Tất Đạt cũng đề nghị cần có một nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động đối với môi trường khi phát triển dòng chính MeKong, bởi “Lưu vực MeKong có tiềm năng rất to lớn đảm bảo cuộc sống và phát triển cho 60 triệu dân sống trong lưu vực. Nếu không có một nghiên cứu, đánh giá kỹ về tác động môi trường khi phát triển, khai thác dòng chính MeKong, các tiềm năng sẽ bị mất đi”.

TS Đào Trọng Tứ, thuộc VNWP cho rằng, các quốc gia không nên phát triển thủy điện trên dòng chính của MeKong, bởi “việc phát triển thủy điện trên dòng chính có tác động rất tiêu cực về môi trường sinh thái, đặc biệt là các quốc gia vùng hạ lưu. Việc phát triển thủy điện có chăng chỉ nên phát triển ở các nhánh để tránh làm ảnh hưởng xuyên quốc gia và giảm thiểu tối đa các tác động xấu tới lưu vực”.   


(Theo daidoanket.vn)