Hội thảo tham vấn cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

Quang cảnh hội thảo
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Cơ quan phát triển Bỉ (BTC) tổ chức Hội thảo tham vấn cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ công tác tổng hợp tài nguyên nước. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án “Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam” do BTC hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trên 7 tỉnh trong thời gian từ 2008-2012 với kinh phí 4 triệu Euro. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã đến dự và chủ trì hội thảo.

 

Tham dự hội thảo có ông Lê Hữu Thuần, phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Giám đốc dự án; Cố vấn trưởng dự án; đại diện các đơn vị có liên quan trong Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế đang giúpViệt Nam thực hiện dự án này.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước. Vì vậy, thông qua hội thảo này đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về cơ sở dữ liệu (CSDL), chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi và bất cập của giải pháp sử dụng cơ sở dữ liệu trung tâm hay phân tán, đồng thời, thống nhất các bước triển khai tiếp theo của hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tài nguyên nước có nhiều ưu điểm vượt trội

Hội thảo đã nghe ông  Martin Junker, Cố vấn trưởng dự án trình bày các tham luận liên quan đến Cấu trúc, đặc điểm, phạm vi và các đặc trưng của CSDL tài nguyên nước; Trình diễn trực tuyến CSDL và hệ thống thông tin tài nguyên nước đề xuất; và các giải pháp máy chủ trung tâm và máy chủ phân tán;…

Các đặc điểm chính của Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tài nguyên nước đó là không cần bản quyền (được xây dựng với phần mềm mã nguồn mở); trên nền internet/máy chủ nội bộ (không cần cài đặt); Giao diện ngôn ngữ tiếng Việt; Kết hợp các bảng biểu và cấu trúc đồ họa/bản đồ; Có thể quản lý trên CSDL trung tâm; Người sử dụng không cần cập nhật (đối với hệ thống trung tâm); Thông tin thời gian thực/không trùng lắp dữ liệu (nếu là CSDL trung tâm).

Nên chọn giải pháp sử dụng CSDL tập trung để đảm bảo đồng bộ thông tin

Thảo luận tại Hội thảo, đại diện Cục Công nghệ thông tin cho rằng, CSDL tài nguyên nước có liên quan chặt chẽ đến CSDL tài nguyên & môi trường quốc gia. Vì vậy, các bản đồ về CSDL tài nguyên nước cần được sử dụng trên nền bản đồ theo các tỷ lệ bản đồ của Việt Nam. Việc sử dụng ảnh bản đồ Google Map mặc dù có ưu điểm là miễn phí và điểm độ chi tiết cao, tuy nhiên, nhược điểm của loại bản đồ này là chúng ta không biết được thông tin được cập nhật như thế nào cũng như các vùng sâu, vùng xa thì độ phân giải lại rất thấp so với các vùng trung tâm. Vì vậy, cần sử dụng ảnh viễn thám để khắc phục được những hạn chế của bản đồ Google Map. Đối với các Sở Tài nguyên và Môi trường có năng lực yếu về công nghệ thông tin thì có thể đặt máy chủ ở trung ương để có thể hỗ trợ thêm về mặt kỹ thuật nhưng quyền quản trị vẫn vẫn là ở địa phương. Cần Việt hóa toàn bộ ngôn ngữ cho người sử dụng.

Cùng quan điểm với Cục Công nghệ thông tin, đại diện Trung tâm Viễn thám cho rằng, nên chọn giải pháp sử dụng CSDL tập trung; cần quan tâm đến các vấn đề cập nhật ảnh dữ liệu và nên có đề án đào tạo cán bộ sử dụng và vận hành cả ở cấp trung ương và địa phương. Đại diện Nhà Xuất bản Bản đồ cũng cho rằng, không nên sử dụng bản đồ Google Map trong CSDL tài nguyên nước vì độ chính xác của loại bản đồ này không cao, nên chọn giải pháp sử dụng CSDL tập trung để đảm bảo đồng bộ thông tin với chi phí thấp. Đại điện Trung tâm Điều tra và Quy hoạch tài nguyên nước đề xuất, nên sử dụng cấu trúc CSDL tài nguyên nước chung cho tất cả các tỉnh, việc quản trị và cập nhật dữ liệu nên để các đơn vị làm ra dữ liệu cập nhật, điều đó có nghĩa là phân tán theo quyền quản trị nhưng lại tập trung theo yêu cầu quản lý tài nguyên nước.


Tiến độ xây dựng CSDL Cục Quản lý tài nguyên nước 2009 – Quý I/2011

Quý III-IV/2009

Quý I-II/2010

Quý III-IV/2010

Quý I-2011

Chuyên gia quốc tế về CSDL đến làm việc (9/2009)

– Khảo sát tình hình CSDL tại Bộ TN&MT

– Đề xuất CSDL và hệ thống thông tin TNN

– Xây dựng CSDL nước dưới đất thử nghiệm và số hóa dữ liệu của 7 tỉnh dự án

– Tổ chức các hội thảo tham vấn

– Tạo lập hệ thống CSDL trực tuyến sử dụng dữ liệu dự án (công cụ theo dõi đánh giá MET)

– Kiểm tra tất cả các phần mềm phát triển cần thiết

– Thiết lập các nhóm làm việc để tạo lập các CSDL chuyên đề của TNN (Khí tượng, thủy văn, nước dưới đất)

– Thiết lập các nhóm làm việc để xây dựng cấu trúc CSDL TNN tổng hợp (Cục QLTNN, TTQHĐTTNN, CAPAS)

– Tổ chức hội thảo tham vấn

 

– Căn cứ vào đề xuất tạo lập/lập trình WRDM (Chuyên gia quốc tế, với sự hỗ trợ của Cục QLTNN và TTQHĐTTNN)

– Mua và lắp đặt máy chủ trung tâm

– Xây dựng giao diện ngôn ngữ (dịch)

– Tổ chức hội thảo tham vấn

 

– Kiểm tra/củng cố CSDL

– Kiểm tra chức năng máy chủ trung tâm

– Xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên nước đề xuất

– Chuẩn bị tổ chức hội thảo tham vấn (Bộ TN&MT)

 

Dự án “Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam” do Bộ TN&MT và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Bỉ (BTC) phối hợp thực hiện tại 7 tỉnh trong cả nước là: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận. Dự án được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 11/2008.

 

 

(Theo DWRM)