Hội nghị mạng lưới nước quốc tế – Nan giải nguồn cung cấp nước sạch

300 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, kinh tế quốc tế nhóm họp tại Hội nghị quốc tế các mạng lưới nước ở Ottawa, Canada. Hãng AFP cho biết, hội nghị kéo dài từ ngày 28/2 đến 3/3 sẽ trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất về nhu cầu nguồn nước nhằm đưa ra các biện pháp để tối ưu hóa quản lý nước.  

  

Năm 2020, cần 1000 tỷ USD cho nước sạch

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất được trình bày tại hội nghị, đến năm 2020, thế giới sẽ chi 1.000 tỉ USD cho nước sạch; nhu cầu nước ngọt trên toàn cầu đến năm 2030 sẽ vượt 40% nguồn cung với khoảng 2 tỉ người chỉ có một nửa lượng nước cơ bản cho sinh hoạt. Mật độ thiên tai tăng cao, điều này có thể thấy qua các trận lũ lụt, bão tuyết xảy ra thường xuyên hơn, dự kiến xảy ra mỗi 20 năm một lần so với 1 thế kỷ trước đây.

Robert Tremblay, Giám đốc nghiên cứu của Cục Bảo hiểm của Canada, tuyên bố hậu quả thiệt hại từ thời tiết khắc nghiệt đã tăng gấp 20 lần trong 30 năm qua.

Số liệu thống kê mới nhất của LHQ cho thấy, riêng chi phí cho việc cung cấp nước uống ở châu Á đã tăng với tốc độ chóng mặt: dự tính lên tới 34,2 tỉ USD vào năm 2016, tăng hơn 9 tỉ USD so với hiện nay. Trong khi số tiền đầu tư vào việc xây dựng cơ sở sản xuất nước sạch là khá lớn thì hiệu quả đầu tư từ các dự án này khá thấp. Vẫn theo LHQ, tính bình quân khi đầu tư 8 USD cho việc xây dựng cơ sở vật chất cung cấp nước sạch, các nước chỉ thu được 1 USD từ hoạt động này.

Ông Nicholas Parker, Chủ tịch nhóm Cleantech khẳng định: “Hầu như mọi người không biết nước có trong tất cả mọi thứ chúng ta mua, từ áo thun đến rượu vang. Ví dụ, trong quá trình sản xuất 1 máy tính để bàn sẽ tiêu thụ 1,5m3 nước; một chiếc quần jeans lên đến 6m3, 1kg thịt bò cần tới 30m3. Ước tính, các loại hàng hóa sản xuất trên toàn thế hàng năm cần tới 800 triệu m3 nước, tương đương với lượng nước của 10 con sông Nile.

 

Vấn đề nan giải

Việc đảm bảo cung cấp nước sạch đang là vấn đề làm đau đầu không ít nhà quản lý ở các thành phố lớn, ngay cả ở những nước phát triển. Làm thế nào để tạo dựng môi trường phát triển bền vững, xử lý tốt tình trạng ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch, tổ chức tốt hệ thống giao thông đô thị, tạo lập môi trường phát triển bền vững?

Các nhà kinh tế dự đoán cuộc khủng hoảng nước có thể tạo ra nhu cầu phát triển nhanh về công nghệ và dịch vụ để phát hiện, quản lý, lọc, khử trùng nước, cải thiện cơ sở hạ tầng và phân phối, giảm thiểu thiệt hại lũ lụt và giảm tiêu thụ nước của các hộ gia đình, công nghiệp và nông nghiệp…

Trong bối cảnh hiệu quả đầu tư sản xuất nước sạch thấp, nguồn cung cấp nước mặt ngày càng khan hiếm, hội nghị tại Canada sẽ thảo luận tìm giải pháp làm phong phú thêm nguồn nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hướng đến phát triển bền vững.

Tại Hội nghị này, các nhà nghiên cứu trình bày một số nét trong quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát triển nguồn nước ngọt, tập trung nhiều hơn cho việc xử lý nước thải thành nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, những phương pháp mới về thu hồi nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, việc đầu tư xây dựng một loạt hồ tích nước ngọt.

Theo số liệu của các chuyên viên y tế, trên thế giới mỗi ngày có 2 triệu người tử vong do các căn bệnh khởi phát vì dùng nước ô nhiễm. Ngay từ năm 2002, trong một cuốn sách của mình Viện sĩ Leonid Abalkin, người Nga, đã khẳng định, trên thế giới hiện hữu gần 2.000 điểm có nguy cơ bùng nổ cuộc chiến vì nước sạch. Dân số châu Phi chiếm 12 % dân số toàn thế giới, nhưng nguồn nước sạch chỉ vẻn vẹn 1%.

Tại các nước cộng hòa Trung Á, những cuộc chiến tranh giành nguồn nước sạch cũng đang diễn ra một cách âm thầm. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng xảy ra xung đột do tranh chấp nguồn nước sông Tigr và Evfrat.

 

 

(Theo SG – GP)