Các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường

Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã hoàn thành giai đoạn 2 và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3 (2011-2015). Trong giai đoạn 3 này, các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để hoàn thành các mục tiêu đề ra.       
 Báo cáo của các nhà tài trợ AusAID (Australia), Danida (Đan Mạch) và DFID (Anh) cho thấy, sau 10 năm hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tiếp cận với nước an toàn ở khu vực nông thôn, các công trình xây dựng hoạt động và duy trì tốt, một số ngành hoạt động hiệu quả và có sự cải thiện rõ rệt. Chương trình đã bao phủ được 83% dân số được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh. Tuy nhiên mục tiêu vệ sinh môi trường mới chỉ đạt chưa đến 60% dân số nông thôn được tiếp cận với nhà tiêu. Con số này còn thấp so với yêu cầu…    
 Trong giai đoạn 3, chương trình phấn đấu đạt   các mục tiêu như: 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT trở lên, với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày; 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 65% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm Biogas. Các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt…       
 Đại diện các nhà tài trợ khẳng định: Mục tiêu vệ sinh môi trường thời gian tới đã chứng minh là sẽ khó khăn hơn và nếu không có nỗ lực đặc biệt thì sẽ không thể đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra trong chương trình giai đoạn 3 này, các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ Việt Nam tập trung vào vệ sinh và tính bền vững về môi trường bằng cách củng cố công tác lập kế hoạch, chiến lược tài chính để xây dựng khung chỉ tiêu trung hạn, khuyến khích mở rộng và hiệu quả chương trình cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ quản lý chất lượng nước và nghiên cứu môi trường, thực hiện đối thoại thường xuyên để góp phần đảm bảo tính bền vững…       
 Theo đánh giá của các nhà tài trợ, nguồn vốn hỗ trợ cần phải dành riêng một khoản ở mức phù hợp cho hoạt động giám sát và quản lý để chương trình đạt mục tiêu và vận hành một cách hiệu quả. 
(Theo Monre.gov.vn)