Ý nghĩa của việc áp dụng phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước trong quy hoạch tài nguyên nước là gì?

Câu hỏi: Ý nghĩa của việc áp dụng phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước trong quy hoạch tài nguyên nước là gì?
Trả lời:
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và sự thực là nước càng ngày càng trở nên quan trọng, là cốt lõi của phát triển bền vững. Ngày nay, đã có một sự nhận thức rộng rãi trong cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của nước. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng và bảo vệ nước chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra, điều này đã dẫn đến các vấn đề liên quan đến nước ngày diễn biến xấu và phức tạp. Nước đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn cầu mà trong đó cộng đồng thế giới đã và đang nỗ lực giải quyết.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các vấn đề khủng hoảng về nước liên quan đến suy giảm số lượng, chất lượng và thủy tai ngày càng diễn ra khốc liệt, khó lường trong khi xã hội ngày càng đạt được những tiến bộ to lớn trong khoa học, kỹ thuật? Phần lớn các quan điểm đều cho rằng sự khủng hoảng trên có nguyên do bắt nguồn từ việc khủng hoảng trong quản lý nước (điều này đã được khẳng định trong nội dung thuyết minh nguyên tắc số 4 – Nguyên tắc Dublin số 4), khai thác không hợp lý, chưa tiết kiệm và sử dụng nước thiếu hiệu quả trong khi nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm. Quan niệm nước là nguồn tài nguyên vô tận, trời cho đã dẫn đến những bất cập trong “ứng xử” với nguồn nước ở tất cả các cấp độ quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn nước.
Rõ ràng là, một hàng hóa, một tài sản có giá trị thì các chủ thể luôn có hành vi chung là “nâng niu”, gìn giữ, bảo vệ và “chăm sóc” cẩn trọng. Đối với nguồn nước, ngoài việc đã được thừa nhận như một hàng hóa có giá trị kinh tế (của cộng đồng thế giới từ sau tháng 1 năm 1992) thì còn được xem là tài sản ở Việt Nam (đã được đưa vào Hiến pháp 2013).
Điều này có nghĩa là gì?
Tài sản đó phải được định giá – giá trị kinh tế sử dụng nước (một yêu cầu đã có hơn 20 năm của cộng đồng thế giới) để bảo vệ, bảo tồn, lưu giữ và phát triển.
Phải được phân bổ hài hòa, hợp lý giữa các đối tượng sử dụng để quản lý hài hòa, sử dụng công bằng, hiệu quả, tiết kiệm.
Khi nguồn nước trở nên khan hiếm, hai vấn đề trên lại càng trở nên cấp bách để có những hành động (ứng xử) phù hợp, thiết thực.
Để đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên nước của các hộ ngành; để giải quyết các vấn đề làm tăng giá trị nguồn nước hay phân tích hiệu quả trong việc chuyển nước trên lưu vực… thông qua việc tính toán giá trị kinh tế của nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc lựa chọn phương án phát triển nguồn nước cũng như xây dựng chính sách đầu tư phát triển nguồn nước, xây dựng chính sách phân bổ tài nguyên nước hợp lý vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo sự bền vững về mặt môi trường. Khi đó, tính toán giá trị nguồn nước cho các mục đích sử dụng làm cơ sở luận chứng lựa chọn cơ chế, chính sách, nguyên tắc và phương án phân bổ tài nguồn nước trên lưu vực là hết sức cần thiết.
Thực tế là hiện nay, Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước đang được lập gặp không ít khó khăn và lúng túng khi xây dựng phương án quy hoạch, có thể về mặt phương pháp luận và công cụ kỹ thuật đã phần nào đáp ứng nhưng vẫn còn thiếu về công cụ tính hiệu quả kinh tế sử dụng nước để làm cơ sở luận chứng lựa chọn phương án phân bổ nước trong việc tìm kiếm sự đồng thuận của các hộ, ngành khai thác sử dụng nước.
Lưu vực sông nói chung được xem là đơn vị thích hợp cho việc quản lý và phân bổ nguồn nước, điều này là phù hợp với cách tiếp cận của cộng đồng thế giới và đồng thời, tuân theo nguyên tắc quản lý tài nguyên nước ở trong nước (đã được xác định trong Luật TNN 2012). Vấn đề là phân bổ nguồn nước để đạt được các tiêu chí công bằng, hiệu quả đối với các mục đích sử dụng nước khác nhau? khi đó, giá trị kinh tế sử dụng nước dường như là cách để nắm được cách mà nguồn nước thực sự được sử dụng như thế nào