Tính toán trữ lượng khai thác dự báo trên toàn vùng đô thị Hà Nội theo các phương án nào?

Câu hỏi: Tính toán trữ lượng khai thác dự báo trên toàn vùng đô thị Hà Nội theo các phương án nào?

Trả lời:

Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên ở cả thành thị lẫn nông thôn. Tại một số đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở nên trầm trọng bởi các hoạt động công nghiệp, sản xuất năng lượng và giao thông. Ô nhiễm bởi khí thải, bụi đã đến mức báo động; ô nhiễm do chất thải rắn đang trở thành mối lo ngại của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (ô nhiễm và cạn kiệt) đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính phát triển bền vững của đô thị.

Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho các đô thị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị. Tuy nhiên,  trong quá trình khai thác nước, đô thị hóa, phát triển đô thị đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất. Đó là: Khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác của nguồn nước, hoặc khai thác thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch, thiếu đánh giá nguồn nước song vẫn khai thác làm suy giảm mực nước. Chưa xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội.

Để bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị cần phải có chương trình và giải pháp toàn diện về mọi mặt, trước hết cần hiểu biết về sự phân bố không gian của các tầng chứa nước, sự phân bố của các loại nước, trữ lượng và chất lượng của chúng để có các quy hoạch khai thác sử dụng nước một cách hợp lý; các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mở rộng phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch các công trình vệ sinh môi trường, như bố trí bãi thải, nghĩa trang,…, phát triển giao thông cần phải được tính toán, xem xét để không gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

Kết quả nổi bật, đó là, đã tổng hợp rà soát, cập nhật được toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi thực hiện từ trước đến nay, tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Có thể nói đây là lần đầu tiên các đô thị này đầu tư một cách toàn diện, chi tiết và bài bản về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy các số liệu đánh giá về tài nguyên và trữ lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất của đề án có độ tin cậy cao.

Bên cạnh đó, đã tính toán được các phương án và xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất tối ưu nhất cũng như xác lập kế hoạch, lộ trình khai thác bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Các phương án tính toán là:

– Phương án 1: Giữ nguyên hiện trạng khai thác nước năm 2016, không phát triển thêm công trình khai thác nước tập trung, đơn lẻ đến năm 2030.

Mục đích của phương án này là: xem xét khả năng, xu thế hạ thấp mực nước dưới đất đến năm 2030.

– Phương án 2: Giữ nguyên vị trí và công suất các giếng khai thác ven sông Hồng hiện nay (Sơn Tây, Bắc Thăng Long, Gia Lâm, Cáo Đỉnh, Yên Phụ, Lương Yên, Nam Dư); điều chỉnh lưu lượng một số bãi giếng lớn khu vực trung trâm (Mai Dịch, Hạ Đình, Ngọc Hà) và bổ sung các bãi giếng khai thác tối ưu ven sông và bãi bồi giữa sông.

Mục đích của phương án này là xem xét khả năng khai thác của tầng chứa nước trong điều kiện nguồn bổ cập của sông Hồng đóng vai trò quan trọng, đồng thời xem xét khả năng phục hồi mực nước giảm thiểu tác động tiêu cực về cạn kiệt nước dưới đất tại khu vực trung tâm xa nguồn bổ cập.

– Phương án 3: Điều chỉnh công suất của các bãi giếng ven sông (Sơn Tây, Bắc Thăng Long), dừng khai thác nước tại một số bãi giếng khu vực trung tâm theo lộ trình đến năm 2030 và bổ sung các bãi giếng khai thác tối ưu ven sông và bãi bồi giữa sông.

Mục đích của phương án này là xác định vị trí và lưu lượng khai thác tối ưu nước dưới đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố với nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như cạn kiệt nước dưới đất, sụt lún nền đất.

Kết quả tính toán các phương án khai thác tài nguyên nước dưới đất thành phố Hà Nội cụ thể như sau:

* Kết quả phương án 1:

Phương án này giữ nguyên hiện trạng vị trí và lưu lượng của các nhà máy nước hiện nay, các giếng khai thác nước đơn lẻ, khai thác nông thôn. Theo phương án này cho thấy, mực nước dưới đất có xu thế ổn định, không có xu hướng suy giảm mực nước, chưa vượt quá giới hạn mực nước hạ thấp cho phép. Nhưng mực nước dưới đất tại trung tâm các bãi giếng Mai Dịch, Tương Mai, Hạ Đình, Hà Đông, Pháp Vân vẫn ở mức sâu như hiện nay, không thuận tiện cho việc khai thác, đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm suy thoái giếng. Sự hạ thấp mực nước sâu trên một diện tích lớn nơi thành phố đang trên đà phát triển là nguyên nhân tiềm ẩn gây nên sự sụt lún nền đất khi áp lực nước lỗ rỗng giảm. Bên cạnh đó, sự hạ thấp mực nước sâu tại trung tâm các bãi giếng lớn tạo nên độ dốc thủy lực và độ chênh áp lực lớn tạo điều kiện cho quá trình gia tăng ô nhiễm nước dưới đất, một số khu vực tâm phễu mực nước tầng qh đã bị phá hủy và cạn kiệt.

* Kết quả phương án 2:

Với kết quả dự báo trữ lượng và mực nước theo phương án 1 nêu trên cho thấy mực nước hạ thấp mặc dù có xu thế ổn định nhưng vẫn hạ thấp sâu như đã phân tích ở trên, ngoài ra chưa phát huy hết tiềm năng có thể khai thác của tầng chứa nước, đặc biệt là nguồn bổ cập từ nước sông. Do đó trong phương án 2 chúng tôi đề xuất như sau:

– Giữ nguyên vị trí và công suất các giếng khai thác ven sông Hồng hiện nay (Sơn Tây, Bắc Thăng Long, Thượng Cát, Cáo Đỉnh, Yên Phụ, Nam Dư, Gia Lâm, Lương Yên);

– Điều chỉnh lưu lượng một số bãi giếng lớn khu vực trung tâm, cụ thể:

+ Giảm lưu lượng bãi giếng Mai Dịch xuống 40.000 m3/ngày;

+ Giảm lưu lượng bãi giếng Ngọc Hà xuống 20.000 m3/ngày;

+ Giảm lưu lượng bãi giếng Hạ Đình xuống 10.000 m3/ngày;

+ Giảm lưu lượng khai thác bãi giếng Hà Đông xuống 10.000 m3/ngày;

+ Giảm lưu lượng khai thác bãi giếng Ngô Sỹ Liên xuống 30.000 m3/ngày;

+ Giảm lưu lượng khai thác bãi giếng Tương Mai xuống 20.000 m3/ngày;

+ Giảm lưu lượng khai thác bãi giếng Pháp Vân xuống 10.000 m3/ngày;

* Kết quả phương án 3:

Kết quả tính toán phương án 3 cho thấy mực nước hạ thấp tại các bãi giếng hợp lý hơn, thuận lợi cho việc khai thác. Điều chỉnh tăng lưu lượng một số bãi giếng và bổ sung thêm các bãi giếng ven sông, bãi bồi giữa sông, nơi có nguồn bổ cập phong phú có khả năng đảm bảo về nguồn và bảo vệ chất lượng nước. Theo phương án này, mực nước hạ thấp sâu nhất tại bãi giếng Bắc Thăng Long với cốt cao mực nước -12,5m nhưng vẫn đảm bảo mực nước giới hạn cho phép khai thác. Qua nghiên cứu bản đồ thủy đẳng áp của tầng chứa nước theo thời gian các tháng trong năm đến năm 2030 cho thấy mực nước dưới đất tại các nhà máy nước ven sông biến động vài centimet và biến động theo chế độ thủy văn của sông Hồng. Mực nước tại các bãi giếng nội thành đã được phục hồi. Mực nước sâu nhất là tại bãi giếng Mai Dịch, Hạ Đình, Hà Đông, Tương Mai và Pháp Vân từ năm 2025 sau khi dừng khai thác tại các bãi giếng làm cho mực nước có xu hướng dâng lên.

Kết quả Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tại Hà Nội do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia triển khai thực hiện đã đưa ra các số liệu, thông tin cụ thể về điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước, khả năng bảo vệ cũng như các nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt. Trên cơ sở đó các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp tổng thể giúp cơ quan chức năng quản lý tài nguyên nước quản lý nguồn nước ngầm một cách hiệu quả nhất.