Tính toán cân bằng nước dưới đất bằng phương pháp mô hình số: Mục tiêu chính của đề tài là gì?

“Nghiên cứu tính toán cần bằng nước dưới đất bằng phương pháp mô hình số, ứng dụng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ” là một đề tài mang tính thực tiễn và ứng dụng cao do TS. Tống Ngọc Thanh – Hiện là Tổng Giám Đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia làm chủ nhiệm. Đây là đề tài được đánh giá rất cao trong giới khoa học nói chung và tài nguyên nước nói riêng.

Cân bằng nước được hiểu là biểu thức toán học biểu diễn tương quan giữa các phần nước đi vào, đi ra và sự biến đổi lượng nước có sẵn trong khu vực trong khoảng thời gian đó, được cân bằng trên cơ sở định luật bảo toàn vật chất. Các nghiên cứu áp dụng mô hình tínhtoán cân bằng nước được xem như một công cụ hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước, điều hành quản lý nguồn nước trên một khu vực nhất định đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Việc áp dụng công cụ mô hình tính toán cân bằng nước giúp chúng ta có cái nhìn tổng hợp và toàn diện hơn về nguồn tài nguyên nước (đặc biệt là tài nguyên nước dưới đất), đồng thời tạo cơ hội cho các bên liên quan tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ cơ hội và định hướng khai thác nguồn nước nhằm đáp ứng cho các mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Các mục tiêu chính của đề tài:

– Nghiên cứu ứng dụng bộ phần mềm Visual Modflow – Modul tính toán cân bằng nước. Xây dựng và chỉnh lý mô hình số mô phỏng dòng chảy và cân bằng nước dưới đất của hệ thống các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

– Nghiên cứu tính toán cân bằng NDĐ bằng phương pháp mô hình số, trên cơ sở đó xác định các nguồn hình thành trữ lượng NDĐ trong trầm tích Đệ tứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đề xuất các giải pháp quy hoạch và sử dụng hợp lý trên quan điểm cân bằng và bền vững tài nguyên nước dưới đất.

Để thực hiện các mục tiêu trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu kỹ các mô hình tính toán cân bằng nước được thực hiện trên thế giới như: MITSIM, WUS, RIBASIM, WEAP… để rút ra những ưu, khuyết điểm của từng bộ phần mềm khi áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Các bộ số liệu cũng được thu thập để làm dữ liệu thô khi chạy mô hình, kết hợp với các phương pháp so sánh trực tiếp nhằm đưa ra những kết quả hợp lý nhất.

Mô hình được nhóm tác giả lựa chọn và đưa ra đã mang được tính kế thừa, độc đáo và mới lạ, sáng tạo, có tính thực tiễn và ứng dụng cao so với những mô hình trước đó.