Tiêu chí lựa chọn các vùng điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 4 như thế nào?

Câu hỏi: Tiêu chí lựa chọn các vùng điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 4 như thế nào?

Trả lời:

Thực hiện chỉ thị 200TTg của Thủ tướng chính phủ về đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đề án điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 1 (1995 – 1997), đã thi công 38 lỗ khoan, trong đó bàn giao đưa vào khai thác cung cấp nước sạch 34 lỗ khoan với lưu lượng 43.495m3/ngày, số dân được sử dụng nước sạch 463.733 người. Pha 2 (1998 – 2003), thi công 30 lỗ khoan, đã bàn giao đưa vào khai thác 29 lỗ khoan, có tổng lưu lượng là 43.600m3/ngày, số dân được sử dụng nước sạch 426.730 người. Pha 3 (2005 – 2011), thi công 30 lỗ khoan, đã bàn giao đưa vào khai thác 29 lỗ khoan, có tổng lưu lượng là 15.371m3/ngày, số dân được sử dụng nước sạch 256.162 người.

Kết quả đạt được của đề án điều tra nguồn nước dưới đất pha 1, pha 2 và pha 3, đã tạo nguồn nước sạch ăn uống và sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh biên giới.

Năm 2011, mặc dù đề án điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 3 đã kết thúc. Tất cả 19 tỉnh thành Nam Bộ đều có công văn yêu cầu điều tra nguồn NDĐ để đưa vào khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Số vùng địa phương có yêu cầu điều tra tìm nguồn NDĐ để khai thác cung cấp nước sạch đến thời điểm lập đề cương dự án lên tới 290 vùng. Lượng nước yêu cầu là 245.934m3/ngày, số dân cần sử dụng nước sạch 1.289.182 người.  

Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, việc thực hiện dự án “Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ – pha 4” là cần thiết nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và các đơn vị bộ đội.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nước sạch của nhân dân tại các vùng sâu vùng xa nêu trên, phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện chỉ thị 200TTg của Thủ tướng chính phủ về đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Nam kính đề nghị Trung tâm QH&ĐTTNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 4”.

Phạm vi thực hiện là 40 vùng (mỗi vùng 25 km2) thuộc 10 tỉnh Nam Bộ: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Với 290 vùng mà các địa phương có công văn yêu cầu khoan điều tra nguồn NDĐ để khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân thì kinh phí đầu tư là rất lớn, mặt khác thời gian thi công ngắn (4 năm từ năm 2012 đến 2015) và nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hạn nên dự án đã ưu tiên lựa chọn ra 40 vùng thực sự đang rất khó khăn về nguồn nước ăn uống, sinh hoạt để đưa vào dự án “Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ – pha 4”.

Các cơ sở và tiêu chí để lựa chọn các vùng điều tra như sau:

– Các vùng điều tra nguồn NDĐ của pha 4 là những địa phương (tỉnh, thành) mà các pha trước chưa hoặc ít được điều tra (Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

– Các vùng được lựa chọn là những vùng mới được điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất ở tỷ lệ 1:500.000 đến 1:50.000; các lỗ khoan thiết kế của dự án không trùng lặp với các lỗ khoan đã và đang triển khai thực hiện tại vùng Nam Bộ.

– Vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng, các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng Nam Bộ có mức sống nghèo hoặc cận nghèo, các đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

– Các vùng đang thiếu nước sạch trầm trọng, chưa có nguồn nước sạch, thực sự đang rất khó khăn về nguồn nước để ăn uống, sinh hoạt (chưa có hệ thống cung cấp nước tập trung).

– Các vùng mà chính quyền địa phương có khả năng đóng góp một phần kinh phí để hoàn chỉnh hệ thống khai thác nước (máy bơm, nhà trạm, hệ thống xử lý, đường ống…) và khả năng quản lý có hiệu quả công trình khai thác sử dụng sau khi được bàn giao lỗ khoan.

– Các vùng có công văn yêu cầu khoan điều tra nguồn NDĐ để khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân

– Các vùng có tiền đề và khả năng về nguồn NDĐ, có tầng chứa nước nhạt đạt yêu cầu cả về lưu lượng và chất lượng nước để phục vụ ăn uống, sinh hoạt.

– Các vùng điều tra là những cụm, tuyến dân cư sống tập trung từ 500 người, hoặc từ 100 hộ gia đình trở lên.

Diện tích các vùng điều tra được chọn là 25km2/vùng dựa trên cơ sở:

– Kế thừa việc lựa chọn diện tích các vùng điều tra của các pha 1, pha 2 và pha 3.

– Kế thừa việc chọn diện tích các vùng điều tra của các đề án đã được phê duyệt (đề án điều tra, đánh giá nước dưới đất các vùnng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận).

– Vùng ảnh hưởng của công trình khai thác NDĐ đến 0,5m (theo Thông tư số 13/2007/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 07 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy định về việc điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ), theo kinh nghiệm hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ tại vùng Nam Bộ, bán kính ảnh hưởng thường khoảng 2,5km.

– Vùng điều tra của dự án dự kiến xê dịch trong bán kính từ tâm lỗ khoan khoảng 2,5km, nên diện tích các vùng điều tra dự kiến khoảng 25 km2 (5km x 5km = 25km2). 

Dự án thúc đẩy kinh tế các địa phương ở vùng sâu, vùng xa phát triển, giúp nhân dân nắm được tiềm năng tài nguyên nước dưới đất của các vùng điều tra, từ đó nâng cao sự hiểu biết cũng như ý thức để bảo vệ tài nguyên (tài nguyên nước), bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cụm, tuyến dân cư vượt lũ của các địa phương ở Nam Bộ. Giúp cho địa phương nơi các vùng điều tra có nguồn nước sạch, đảm bảo chất lượng cung cấp cho các cụm, tuyến dân cư và các đơn vị bộ đội biên phòng. Có nguồn nước sạch, sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và bộ đội.