Thời gian thực hiện Đề án “Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Hoà, tỉnh Long An” là từ bao giờ? Nhiệm vụ chính của đề án là gì?

Đề án “Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Hoà, tỉnh Long An” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện từ năm 2008 đến năm 2013, trong diện tích 1.014km2; bao gồm huyện Đức Hoà, phần lớn các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Thủ Thừa của tỉnh Long An và một phần nhỏ huyện Bình Chánh của TP. Hồ Chí Minh. Đề án được phê duyệt năm 2008, thi công từ năm 2009 đến 2013 và đã hoàn thành vào tháng 7 năm 2014.

Dự án thực hiện mục tiêu xác định đặc điểm các tầng chứa nước trong vùng; xác định và đánh giá trữ lượng, chất lượng các tầng chứa nước có triển vọng cấp nước sinh hoạt.

Nhiệm vụ chính của đề án là điều tra địa chất thuỷ văn tỷ lệ 1:50.000. Những dạng công tác chính thực hiện: Thu thập và xử lý tài liệu, khảo sát thực địa, khoan địa chất – địa chất thủy văn, hút nước thí nghiệm, công tác địa vật lý, lấy và phân tích mẫu các loại, đo trắc địa, quan trắc động thái nước dưới đất và đo mực nước lập đường thuỷ đẳng cao.

Đề án đã làm sáng tỏ được cấu trúc địa tầng và đặc điểm địa chất và địa chất thủy văn tương ứng với tỷ lệ điều tra, cụ thể như sau:

Thành lập được 10 mặt cắt địa điện theo 10 tuyến đo sâu đối xứng, xác định được ranh giới mặn (M = 1,0g/l) trong các tầng chứa nước nghiên cứu. Thành lập được bản đồ kết quả địa vật lý, thể hiện được đường phân bố ranh giới mặn các tầng chứa nước trên toàn vùng nghiên cứu. Xác định được độ tổng khoáng hóa thông qua giải đoán giá trị điện trở suất các tầng chứa nước. Chính xác hoá được ranh giới địa chất, xác định được chiều sâu, thế nằm, chiều dày, diện phân bố, nguồn gốc và môi trường thành tạo của các trầm tích trên mặt và dưới sâu có mặt trong vùng. Xác định trong vùng có 07 tầng chứa nước lỗ hổng, 07 thành tạo địa chất rất nghèo nước và 01 thành tạo không chứa nước. Mô tả chi tiết diện phân bố, chiều sâu, thế nằm, chiều dày cũng như thành phần đất đá các tầng chứa nước, đều là nước áp lực, mức độ chứa nước, các thông số địa chất thủy văn, sự biến đổi động thái và hướng vận động của NDĐ.

Kết quả đề án đã tích hợp được nguồn dữ liệu phong phú, có cơ sở khoa học giúp định hướng qui hoạch, khai thác, phân bổ, bảo vệ và phát triển tài nguyên NDĐ theo hướng bền vững của địa phương.