Tầng chứa nước ở tỉnh KonTum được phân chia như thế nào?

Tầng chứa nước là thành tạo địa chất đất đá có tính thấm đủ để nước có thể chứa và vận động trong chúng và có thể khai thác được một lượng nước có ý nghĩa kinh tế từ các nguồn lộ hoặc từ các công trình nhân tạo như giếng, lỗ khoan. Các thành tạo địa chất rất nghèo nước và không chứa nước là các thành tạo địa chất có tính hấp phụ và khả năng thấm nước rất nhỏ, không đủ để tại ra một lượng nước có ý nghĩa kinh tế từ các nguồn lộ tự nhiên hoặc từ các công trình nhân tạo như giếng, lỗ khoan. 

Theo nguyên tắc phân chia “dạng tồn tại của nước dưới đất”, căn cứ vào các đặc điểm thạch học của đất đá và đặc điểm vận động, tàng trữ nước dưới đất, tỉnh Kon Tum được chia ra 2 tầng chứa nước lỗ hổng; 5 tầng chứa nước khe nứt và các thành tạo địa chất rất nghèo nước hoặc không chứa nước như sau:

Các tầng chứa nước lỗ hổng

+ Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh):  tầng chứa nước Holocen có diện tích phân bố hẹp, bề dày nhỏ, thuộc loại nghèo nước, chỉ có khả năng cấp nước nhỏ, đơn lẻ.

+ Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp): tầng chứa nước các trầm tích Pleistocen có diện phân bố hạn chế, bề dày không lớn, mức độ chứa nước tương đối giàu, khu vực thành phố Kon Tum có thể khai thác kết hợp với các tầng chứa nước khác (Holocen, Pliocen) để cung cấp nước tập trung quy mô vừa.

– Các tầng chứa nước khe nứt

+ Tầng chứa nước khe nứt- lỗ hổng trong đá phun trào bazan Pliocen-Pleistocen β(n2-qp): tầng chứa nước phun trào bazan β(n2-qp) có diện phân bố rộng, bề dày chứa nước lớn, nước có chất lượng tốt, tuy nhiên mức độ chứa nước không đồng đều (từ nghèo đến trung bình), có khả năng đáp ứng yêu cầu cung cấp nước quy mô nhỏ.

+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm tích Pliocen (n2): tầng chứa nước Pliocen có diện phân bố khá lớn, chiều dày đáng kể, thuộc loại tương đối giàu nước (nhất là khu vực thành phố Kon Tum, Đăk Hà), có khả năng cấp nước quy mô nhỏ đến vừa.

+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm tích Creta trên (k2): tầng chứa nước Creta trên có mức độ chứa nước nghèo, diện tích phân bố hẹp, lại ở nơi địa hìmh cao, hẻo lánh nên không có ý nghĩa trong cung cấp nước.

+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm biến chất Cambri – Silua (ε-s): tầng chứa nước có mức độ chứa nước từ nghèo đến tương đối giàu (nơi có các đới dập vỡ kiến tạo), chủ yếu là nghèo nước, cung cấp nước quy mô nhỏ.

+ Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm biến chất Proterozoi (pr): tầng chứa nước khe nứt trầm tích biến chất Proterozoi có diện phân bố rộng, bề dày lớn, song thuộc loại chứa nước nghèo, chỉ có khả năng cung cấp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, ở các đới dập vỡ kiến tạo có mức độ chứa nước từ trung bình đến giàu, có khả năng cấp nước lớn hơn.