Nguyên nhân gây ra sụt lún tại thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội là gì?

Từ năm 2006 đến nay, tần suất xuất hiện các hố lún – sụt ở khu vực tây thành phố Hà Nội ngày càng nhiều, nhất là huyện Quốc Oai và Mỹ Đức. Tại huyện Mỹ Đức vào năm 2006 xuất hiện hố sụt với bán kính rộng 50 m, sâu gần 1 m ở làng Phú Liễn, xã Hợp Tiến làm đổ nhà cửa. Năm 2010 và 2011 ở xóm 16, thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh và đội 6, thôn Thượng, xã Xuy Xá trong quá trình khoan giếng gây phá hủy, lún nứt cho các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng khu vực xung quanh.

Nguyên nhân và cơ chế gây ra hiện tượng lún – sụt rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, các nguyên nhân khách quan như khu vực này nằm trên tầng đá vôi bị nứt nẻ, dập vỡ mạnh, có nhiều hang karst ngầm cũng như sự có mặt của những tầng đất yếu, tầng cát mịn bở rời, dễ bị rửa trôi. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do hoạt động khoan giếng khai thác nước ngầm, đặc biệt là phương pháp và công nghệ khoan giếng đang được sử dụng.

Ở phía tây Hà Nội, ngoài những hang karst nổi tiếng được biết đến như động Hoàng Xá, hang Cắc Cớ và hệ thống các hang động thuộc quần thể Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thì ở khu vực này còn tồn tại nhiều hệ thống hang karst ngầm mà chỉ được phát hiện khi khoan thăm dò địa chất hoặc đo địa vật lý. Khu vực có nhiều hang karst ngầm đã được phát hiện là xã Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai, Yên Sơn và một số nơi dọc theo đường đại lộ Thăng Long (huyện Quốc Oai) và khu vực xã Lê Thanh, Xuy Xá, Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức).

Khu vực phía tây chưa có hệ thống cấp nước sạch. Trước đây người dân chủ yếu sử dụng nước mưa, nước trong các giếng đào, dần dần nước ngầm bị cạn kiệt, ô nhiễm, nhiều hộ đã chuyển sang khoan giếng khai thác nước trong tầng chứa nước lỗ hổng trong các tầng trầm tích bở rời. Tuy nhiên hiện đa số các giếng này đã bị giảm lưu lượng, nhiều giếng trở nên ít nước hoặc bị cạn không thể sử dụng, các hộ gia đình ở xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai) đã phải khoan tới 2 hoặc 3 giếng song cũng không thể khai thác được nước và phải sử dụng nước từ Ao Sen trong làng. Nhiều hộ gia đình phải khoan những giếng sâu hơn để khai thác nước trong tầng đá vôi nứt nẻ, có hang karst ngầm và từ đây hiện tượng lún – sụt bắt đầu phát sinh.

Theo những kết quả nghiên cứu, điều tra và khảo sát, hiện tượng lún – sụt tại khu vực phía tây thành phố Hà Nội có liên quan trực tiếp đến hệ thống hang karst ngầm trong tầng đá vôi và sự có mặt của các tầng đất yếu, tầng cát mịn bở rời dễ bị rửa trôi nằm trong tầng phủ.

Để khắc phục được tình trạng trên, cần thiết phải có những biện pháp xử lý tạm thời và lâu dài, đồng bộ. Trong trường hợp phải khoan giếng, cần thiết phải áp dụng khoa học kỹ thuật hợp lý, với sự tư vấn của những người có chuyên môn. Bên cạnh đó, sử dụng mô hình cấp nước tập trung từ các giếng khoan đặt tại những nơi phù hợp với quy hoạch chung, được nghiên cứu khảo sát địa chất kỹ do những cơ quan chuyên môn thực hiện và tiến tới đầu tư, kêu gọi đầu tư đồng bộ hệ thống cung cấp nước sạch.

Đối với những hố sụt đã xảy ra, sau thời điểm bị lún – sụt thì biến dạng của bề mặt đất sẽ thay đổi theo thời gian và đến một thời điểm nào đó sẽ dừng lại ổn định. Để xử lý những trường hợp này cần thiết khảo sát xác định phạm vi của hố sụt cũng như sự phân bố của các hang karst ngầm bằng phương pháp địa vật lý, san lấp hố sụt bằng những vật liệu thích hợp đảm bảo sự ổn định của nền đất.