Nguyên Nhân gây ra sụt lún ở Huyện Thanh Ba – Phú Thọ và phương hướng khắc Phục?

Thanh Ba là huyện miền núi tây bắc tỉnh Phú Thọ. Hiện tượng sụt, lún và nứt đất ở Thanh Ba đã xảy ra từ những năm 1993, 1994, tuy nhiên, tai biến này xảy ra đơn lẻ trên phạm vi đất canh tác của người dân. Những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba liên tiếp xảy ra các sự cố nứt sụt, lún đất nghiêm trọng.

Hiện tượng sụt, lún đất thường xảy ra khi có sự biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết trong năm. Vào các tháng 1 tháng 2 (mùa khô); tháng 9, tháng 10 (mùa mưa) là thời gian có sự thay đổi khí hậu, xảy ra nhiều đợt mưa lũ với mật độ lớn, các hố sụt xảy ra thường xuyên hơn.

Về nguyên nhân nứt sụt đất:

Nguyên nhân chính: điều kiện tự nhiên gây tai biến địa chất của khu vực nằm trong đứt gãy địa chất sông Hồng. Địa hình nơi đã xảy ra sụt đất ở xã Ninh Dân là khu vực thấp trũng bằng phẳng ven đồi, nơi chịu tác động mạnh của các dòng chảy mặt và nước mưa, đặc biệt vào thời gian mưa lũ hàng năm. Bề mặt địa hình trũng được phủ bởi lớp đất bở rời gắn kết yếu, tuổi Đệ tứ là các sản phẩm được rửa trôi từ các địa hình cao hơn đưa xuống (cát, cát pha, sét bột lẫn nhiều vụn sỏi laterit). Trên bề mặt địa hình, các thành tạo này khi gặp nước rất dễ bị tan rã còn ở dưới mặt đất rất dễ gây nên hiện tượng trượt chảy, hay xói ngầm. Những đặc điểm trên cho thấy đây là khu vực xung yếu, dễ nhạy cảm với tai biến sụt đất.

Mặt khác, khu vực nứt sụt đất nằm trên thung lũng karst có nền đá vôi phân bố rộng, nằm chìm dưới mặt đất. Về cấu trúc kiến tạo, khu vực này nằm trong phạm vi của đới đứt gãy có phương Tây bắc – Đông nam. Hoạt động của các đới đứt gãy đã tạo cho tầng đá vôi bị dập vỡ mạnh là điều kiện thuận lợi cho quá trình phong hoá hoá học (rửa lũa đá vôi) phát triển hình thành nhiều hang karst ngầm dưới mặt đất. Quá trình vận động của nước ngầm trong đới dập vỡ theo thời gian sẽ tạo thành dòng chảy ngầm, hoạt động của dòng chảy ngầm sẽ tạo thành các quá trình xói ngầm, bóc mòn vật liệu làm mở rộng hang hóc cũng như làm mỏng nóc hang. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu làm suy giảm các nguồn nước dẫn đến hạ thấp mực nước ngầm trong hang dẫn đến sự mất cân bằng trọng lực, dần dần sẽ gây phá huỷ sập nóc hang.

Tuy nhiên  có một số tác nhân khác cũng có ảnh hưởng cục bộ như:
Khai thác mỏ, đào giếng lấy nước sinh hoạt của các hộ gia đình,…các hoạt động này diễn ra đan xen nhau trong một quá trình lâu dài và lặp đi lặp lại hàng ngày gây nên một số biến động bất lợi như: Gây mất nước thường xuyên trong lớp phủ ở độ sâu 15m trở lên làm giảm áp lực đẩy nổi của nước;  Gia tăng khả năng xói ngầm trong các hang hốc, khe nứt đá vôi; Gia tăng độ nứt nẻ của đá vôi, có thể gây sập cục bộ các hang hốc karst; Giảm khả năng chịu tải của lớp đất phủ.
Các biến động bất lợi nêu trên làm đẩy nhanh quá trình xói ngầm trong các khe nứt, các hang hốc karst và kéo theo hiện tượng lún sụt đất ở các thời điểm khác nhau khi có những biến động đột ngột của nước mưa.