Lập danh mục nguồn nước dưới đất trong lưu vực sông cần thiết như thế nào?

Câu hỏi: Lập danh mục nguồn nước dưới đất trong lưu vực sông cần thiết như thế nào?

Danh mục lưu vực sông đã được ban hành là cơ sở xác định phạm vi không gian cho các nhiệm vụ quản lý, điều tra, quy hoạch tài nguyên nước ở Trung ương và các địa phương.

Ngày nay, mối tương tác giữa nước dưới đất với nước mặt ngày càng trở nên rõ ràng, quản lý tài nguyên nước trong mối liên hệ chặt chẽ giữa các nguồn nước này hiện nay đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Các lưu vực sông ở nhiều quốc gia đã được luật pháp coi là cơ sở cho công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên nước. Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm các nguyên tắc: thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính; quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất. Tuy vậy, việc quản lý tổng hợp các nguồn nước mặt và nước dưới đất trong lưu vực sông đến nay vẫn chưa có sự thống nhất, chưa có giải pháp quản lý thực sự khoa học và hiệu quả cho mọi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam, công tác điều tra tài nguyên nước dưới đất đã sớm được thực hiện trên cả nước do nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước dưới đất. Các dạng công tác điều tra gồm lập bản đồ địa chất thuỷ văn, tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất đã phục vụ cho các nhu cầu về khai thác, sử dụng nước trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Thông tin, số liệu có được qua điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất đã không ngừng được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng, các đối tượng chứa nước dưới đất trên các vùng lãnh thổ ngày càng được làm rõ. Việc tổng hợp kết quả điều tra, biên hội, chỉnh lý thông tin, tư liệu về tài nguyên nước dưới đất cũng được cập nhật, đưa đến nhận thức sâu sắc và tổng quát hơn về hệ thống phân chia địa chất thuỷ văn các khu vực và trên toàn lãnh thổ. Các kết quả nghiên cứu phân chia địa tầng và nghiên cứu cấu trúc địa chất gần đây đã được sử dụng trong phân chia lại các phân vị địa chất thuỷ văn, điển hình như tại vùng đồng bằng Nam Bộ đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu và quản lý tài nguyên nước dưới đất.

Trong nghiên cứu tổng hợp kết quả điều tra, các nguồn tài nguyên có giá trị phục vụ quản lý, khai thác cũng đã được thực hiện như công tác biên soạn và xuất bản danh bạ “Các nguồn nước khoáng và nước nóng Việt Nam” của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam năm 1988 với nội dung chủ yếu là đăng ký, mô tả các nguồn nước khoáng, nước nóng đã được nghiên cứu đến thời điểm đó, giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về tài nguyên nước khoáng, nước nóng trong toàn quốc. Các thông tin trong danh bạ chủ yếu đề cập đến lịch sử nghiên cứu, đặc điểm phân bố, hiện trạng và triển vọng sử dụng nước khoáng, nước nóng ở Việt Nam, không bàn đến những vấn đề quá chuyên sâu trên lĩnh vực khoa học, có thể coi như một hình thức danh mục nguồn nước liên quan ở dưới đất trên các vùng lãnh thổ.  

Để quy hoạch và quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo cách tiếp cận hiện đại, nhiệm vụ cấp thiết cần đặt ra là nghiên cứu cơ sở khoa học để phân chia, xác định các nguồn nước dưới đất cho từng lưu vực sông một cách phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của quản lý tài nguyên nước hiện nay. Đề tài hướng đến việc nghiên cứu cách thức phân chia các nguồn nước dưới đất trên quy mô lưu vực sông, hệ thống hoá các thông tin, dữ liệu liên quan để xây dựng danh mục các nguồn nước dưới đất cho các lưu vực trên cơ sở các kết quả điều tra địa chất thuỷ văn và điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên toàn lãnh thổ nhằm phục vụ tôt hơn yêu cầu của quản lý tài nguyên nước cho các lưu vực sông.