Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất khu đô thị Quy Nhơn thực hiện như thế nào?

Bình Định là một tỉnh có vị trí quan trọng ở vùng duyên hải miền Trung về các mặt kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó, thành phố Quy Nhơn là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học của tỉnh Bình Định. Sau gần 20 năm đổi mới, kinh tế không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng GDP hàng năm ngày càng phát triển, tạo cho quá trình phát triển của thành phố Quy Nhơn ngày càng được mở rộng.

Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho thành phố đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân Quy Nhơn. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước, đô thị hóa, phát triển đô thị đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất:

– Chưa đánh giá đầy đủ chính xác miền cấp, miền thoát, trữ lượng nước dưới đất, trữ lượng khai thác cho phép tránh gây cạn kiệt nguồn tài nguyên nước;

– Khai thác thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn tầng chứa nước;

– Nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất được xây dựng trong đới cung cấp cho nước dưới đất và trong phạm vi hoạt động của công trình khai thác nước tạo nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất;

– Công tác thu gom xử lí nước thải, chất thải rắn tại các đô thị còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất;

– Tốc độ đô thị hóa tăng, quá trình bê tông hóa bề mặt phát triển dẫn đến diện cung cấp từ nước mưa, nước mặt cho nước dưới đất ngày càng bị thu hẹp, gây cạn kiệt nguồn bổ cập cho nước dưới đất.

– Quá trình hiện đại hóa đô thị ngày càng phát triển, nhiều nhà cao tầng mọc lên cùng với hệ thống các lỗ khoan khảo sát địa chất công trình, hệ thống móng khoan cọc nhồi được phát triển. Đây là một trong những con đường dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất chưa được quan tâm và quản lí.

Thành phố Quy Nhơn hiện đang sử dụng 100% nước dưới đất, do vậy nước dưới đất đã trở thành nguồn tài nguyên quí giá và phải được bảo vệ một cách hết sức nghiêm ngặt. Nước dưới đất ở thành phố Quy Nhơn có cấu trúc hở, tầng chứa nước nằm nông, mực nước dưới đất hạ thấp 0,3 m/năm, đã bị nhiễm bẩn và nhiễm mặn ở một số khu vực; hiện đang có nguy cơ suy thoái cả về lưu lượng cũng như chất lượng.

Công việc điều tra, đánh giá nước dưới đất TP Quy Nhơn được thực hiện như sau:

– Điều tra bổ sung, đánh giá và xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất

+ Làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định trữ lượng khai thác tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ;

+ Xác định ranh giới các vùng nước dưới đất bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

–  Điều tra xác định khả năng tự bảo vệ, các tác động, các nguyên nhân, con đường gây cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn  nước dưới đất

+ Xác định các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá khả năng và mức độ tự bảo vệ của các tầng chứa nước;

+ Xác định các nguồn có khả năng gây nhiễm bẩn cho nước dưới đất (các nguồn và điểm xả thải, bãi rác, nghĩa trang, …);

+ Xác định hiện trạng khai thác, nhu cầu sử dụng nước dưới đất;

+ Xác định điều kiện, nguyên nhân và con đường gây ô nhiễm nước dưới đất tại các khu vực khai thác vượt quá giới hạn cho phép;

+ Xác định các vùng nước dưới đất bị khai thác vượt quá khả năng cung cấp cần có biện pháp phục hồi và bảo vệ;

+ Dự báo nguy cơ nhiễm bẩn nước dưới đất.