Có bao nhiêu giải pháp khai thác nước dưới đất bền vững được đề xuất trong nghiên cứu “Xác định giới hạn khai thác hợp lý nước dưới đất qua nghiên cứu sự phục hồi tầng chứa nước trong quá trình thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác tại tỉnh Thái Bình“.

Trả lời:

Theo kết quả tính toán của đề tài “Xác định giới hạn khai thác hợp lý nước dưới đất qua nghiên cứu sự phục hồi tầng chứa nước trong quá trình thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác tại tỉnh Thái Bình“ cho thấy, trữ lượng có thể khai thác bền vững trên địa bàn tỉnh là 172.577 m3/ngày, huyện có trữ lượng có thể khai thác lớn nhất là Quỳnh Phụ với 51.357 m3/ngày, thành phố Thái Bình có trữ lượng thấp nhất là 1.162 m3/ngày. Trong khi đó, tổng lượng nước dưới đất khai thác năm 2011 là 168.494.095 m3/năm thì đến năm 2018 đã giảm xuống, lượng khai thác từ nước ngầm cho các công trình cấp nước tập trung chỉ chiếm 2% tổng lượng nước khai thác phục vụ sinh hoạt. Các huyện, thị như thành phố Thái Bình, Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương đã khai thác 100% từ nguồn nước mặt. Vì vậy, có thể nhận thấy nếu so sánh giữa tổng trữ lượng nước có thể khai thác và khối lượng nguồn nước dưới đất khai thác thì hiện trạng khai thác nguồn nước dưới đất ở Thái Bình vẫn nằm trong khung an toàn. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà không quan tâm đến vấn đề bảo vệ nước dưới đất nữa. Nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt để ứng phó với nguy cơ thiên tai và sự cố môi trường trước mắt cũng như lâu dài, việc tìm ra các giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất bền vững là rất cần thiết. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hiện có hàng trăm nghìn giếng khoan không còn sử dụng, bị bỏ hoang, chưa được trám lấp, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền ô nhiễm, nhiễm mặn giữa các tầng nước. Những chất thải từ các nguồn gây ô nhiễm trên bề mặt theo thời gian sẽ ngấm vào nguồn nước, tích tụ dần làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sức khỏe người dân. Từ những nguyên nhân đó, đề tài nghiên cứu đã đề xuất 02 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất bền vững tại tỉnh Thái Bình là: Giải pháp kỹ thuật và giải pháp chính sách.

Giải pháp về mặt kỹ thuật gồm: Khoanh vùng hạn chế khai thác và đề xuất công nghệ khai thác bền vững. Căn cứ vào đặc điểm các tầng chứa nước và hiện trạng xâm nhập mặn thực tế ở tỉnh, nhóm tác giả đã khoanh định được các khu vực hạn chế khai thác, khu vực bị nhiễm mặn và khu vực được phép khai thác của tầng chứa nước qh2 và qp như sau:

Tầng chứa nước qh2: phân bố ở sát mặt đất và có bề dày nhỏ, do vậy công nghệ khai thác phù hợp với tầng chứa nước này là những giếng khoan nông, hoặc những tuyến thu nước, hành lang thu nước dạng hào, lượng nước có thể khai thác tối đa trong tầng chứa nước này là 101.080 m3/ngày. Khu vực được phép khai thác phân bố rải rác trong toàn bộ tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Hưng Hà (bao gồm các xã Tân Lễ, Cộng Hòa, Điệp Nông, Dân Chủ, Văn Cẩm, Duyên Hải, thị trấn Hưng Hà…), huyện Vũ Thư và huyện Kiến Xương.

– Tầng chứa nước qp: phần lớn đã bị nhiễm mặn, công nghệ khai thác phù hợp là những lỗ khoan sâu đường kính lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lượng nước có thể khai thác tối đa trong tầng chứa nước này là 71.497 m3/ngày. Vùng được phép khai thác tập trung chủ yếu ở phía Tây bắc huyện Hưng Hà, phía Đông huyện Quỳnh Phụ và dải dác một vài vùng nhỏ thuộc huyện Đông Hưng và Thái Thụy.

Giải pháp về mặt chính sách: Theo chỉ thị số 25/CT-UBND của UBND tỉnh Thái Bình chủ trương sẽ dừng khai thác nước dưới đất và chuyển sang khai thác nguồn nước mặt. Nguồn nước dưới đất được coi là nguồn nước dự trữ và sẽ được khai thác sử dụng trong trường hợp các nguồn nước mặt gặp sự cố hoặc bị ô nhiễm. Do vậy cần tập trung bảo vệ nguồn nước dưới đất tránh bị ô nhiễm và xâm nhập mặn bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

– Rà soát và trám lấp đúng kỹ thuật các giếng khoan không sử dụng của các hộ gia đình và điểm khai thác nước đơn lẻ để đảm bảo các tầng chứa nước không bị ảnh hưởng bởi các nguồn chất thải trên bề mặt.

– Tăng cường công tác quản lý các nguồn thải do thủy sản và các hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước.

– Xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát chất lượng nước, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước để quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

– Tuyên truyền giáo dục ý thức của người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ chất lượng nguồn nước tránh gây ô nhiễm.