Cách tiếp cận khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất bộ công cụ mô hình toán dự báo tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phù hợp với điều kiện lưu vực sông ở Việt Nam”?

Nước là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển kinh tế – xã hội và môi trường sống. Nước là một loại tài nguyên thiên nhiên quý giá và có hạn, là động lực chủ yếu chi phối mọi hoạt động dân sinh kinh tế của con người. Nước được sử dụng cho nông nghiệp, phát điện, giao thông vận tải, chăn nuôi, thuỷ sản, cấp nước sinh hoạt, cấp nước công nghiệp, cải tạo môi trường v..v. Trong những năm gần đây, tài nguyên nước diễn biến ngày càng phức tạp theo những chiều hướng bất lợi. Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, khai thác quá mức, chặt phá rừng đầu nguồn… nên các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện ở nhiều nơi và xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2016 và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng và là vấn đề của toàn xã hội. Do vậy có thể nói, công tác dự báo tài nguyên nước có tầm quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt trong công tác chủ động phòng tránh thiên tai do nước gây ra (hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt….)

Từ những lý do trên, đề tài “ Nghiên cứu đề xuất bộ công cụ mô hình toán dự báo tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phù hợp với điều kiện lưu vực sông ở Việt Nam” được thực hiện với mong muốn góp phần hoàn thiện và nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên nước mặt. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác dự báo tài nguyên nước trên hệ thống sông và điều kiện hiện nay về khả năng ứng dụng của mô hình tính toán dự báo, thông tin, số liệu, kết quả dự báo. Kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có và nhằm đáp ứng các mục tiêu của đề tài đề ra, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận sau:

– Tiếp cận kế thừa: Các công trình nghiên cứu đã và đang được thực hiện bao gồm phương pháp luận, bộ số liệu về khí tượng thủy văn, hải văn, bộ số liệu tài nguyên nước, khai thác sử dụng, vận hành hồ chứa, các số liệu địa hình, mặt cắt, cấu trúc địa chất trên lưu vực sông nghiên cứu. Đề tài sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị đã thực hiện đề tài, dự án như Viện Khoa học KTTV và Môi trường, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học mỏ địa chất để khai thác số liệu, mô hình, tham khảo các thông số của mô hình nhằm nâng cao chất lượng mô phỏng, tính toán, giảm kinh phí và thời gian thực hiện.

– Phân tích, đánh giá và thu thập nhu cầu sử dụng nước của từng hộ dùng nước trong các giai đoạn khác nhau của mùa cạn. Tính toán cân bằng nước, điều hành hệ thống hồ chứa theo quy trình liên hồ chứa đã được ban hành trong thời gian dài nhằm đưa ra các giá trị dự báo về diễn biến tài nguyên nước theo tháng vùng hạ du.

– Phân tích, đánh giá hệ thống và tổng hợp: Nghiên cứu các tài liệu liên quan, xác định các đặc trưng liên quan tới số lượng tài nguyên nước mặt. Đánh giá phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới tổng lượng nước mặt theo tháng. Ứng dụng mô hình đã được lựa chọn để dự báo tài nguyên nước cho lưu vực sông điển hình.