Các tầng chứa nước ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có đặc điểm như thế nào?

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao gồm 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có diện tích tự nhiên 27.960 km2, chiếm 8,47% diện tích cả nước, với dân số tính đến năm 2018 là 6.717.215 người chiếm 7,03% dân số cả nước. Trong những năm qua, đi kèm theo sự phát triển kinh tế – xã hội là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên. Dự án Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50:000 cho các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung khi triển khai đã tổng hợp kết quả các dự án điều tra, đánh giá, tìm kiếm nước dưới đất trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như sau:

Đặc điểm các tầng chứa nước:

– Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Đệ tứ không phân chia (q):

Bao gồm các nguồn gốc hỗn hợp: sườn tàn tích, sông lũ tích, …phân bố trên bề mặt đá gốc trước Kainozoi, ven rìa phía tây các huyện Điện Bàn, Thăng Bình, thị xã Tam Kỳ, Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi, thượng nguồn các sông lớn, với diện tích lộ khoảng 590 km2. Thành phần thạch học chủ yếu là: cát, bột, dăm, sạn, laterit, với chiều dày thay đổi 2-28m. Loại hình hóa học chủ yếu là bicarbonat; nước thuộc loại siêu nhạt, độ tổng khoáng hoá biến động từ 0,05-0,2g/l. Nước trong tầng chứa nước này có chất lượng nước tốt, nhưng diện phân bố nhỏ, khả năng chứa nước nghèo nên chỉ cấp nước đơn lẻ hoặc quy mô nhỏ.

Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Holocen (qh):

Gồm các trầm tích của các nguồn gốc: biển, sông-biển-vũng vịnh, sông … có các tuổi Q23, Q22-3, Q21-2. Diện lộ khoảng 2.775 km2, phân bố dọc đồng bằng ven biển, bãi bồi sông trong vùng Dự án. Mức độ giàu nước và đặc điểm thuỷ hoá biến đổi khá phức tạp. Nhìn chung, tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen thuộc loại từ trung bình đến giàu, nhưng chiều dày không lớn, một số nơi bị nhiễm mặn, cho nên tầng chứa nước này có ý nghĩa cho cấp nước quy mô nhỏ.

– Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích pleistocen (qp):

Tại nên tầng chứa nước này bao gồm các trầm tích Pleistocen có nguồn gốc: Sông, biển, gió, sông – đầm lầy, biển – đầm lầy, phân bố rộng rãi ở đồng bằng các tỉnh trong vùng Dự án và bị trầm tích Holocen phủ, chúng thường lộ ra ở thềm bậc III lưu vực sông với tổng diện lộ 2.090 km2. Thành phần đất đá chứa nước chủ yếu các trầm tích hạt thô là cuội, sỏi, cát, xen kẹp các lớp trầm tích hạt mịn (sét, sét pha) Bề dày từ 15 – 20m. Loại hình hóa học của nước là Bicarbonat và Bicarbonat clorur, độ khoáng hóa từ 0,0 – 5,0 g/l. Một số nơi tầng chứa nước này bị nhiễm mặn.

Tóm lại, tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Pleistocen có bề dày đáng kể, khả năng chứa nước tốt, có khả năng cung cấp nước quy mô vừa đến lớn. Đây là một trong những tầng chứa nước quan trọng của vùng nghiên cứu.

– Tầng chứa nước khe nứt trầm tích Neogen (n)

Nước vận động và tàng trữ trong trầm tích của hệ tầng Ái Nghĩa (Nan), phân bố ở trũng địa hào Hội An, chạy từ Đại Lộc ra biển với diện tích khoảng 700km2. Ở Đại Lộc, chúng lộ ra thành khối nhỏ với diện tích khoảng 7km2, phần còn lại bị các trầm tích trẻ hơn phủ lên trên. Phía trên, gồm: cát kết, cuội kết, sét kết, giàu vật chất hữu cơ, nhiều đoạn ngấm nước mền dẻo. Phía dưới: cuội kết, sạn kết, gắn kết yếu dễ vụn nát.Tầng có áp lực yếu, chiều dày thay đổi mạnh 20-400m, khu vực từ trung tâm trũng Hội An kéo ra biển nước bị nhiễm mặn, nên khả năng cấp nước rất hạn chế vì phần lớn diện phân bố bị nhiễm mặn.

– Tầng chứa nước khe nứt trầm tích phun trào Bazan hệ tầng Đại Nga (βđn):

Phân bố rải rác khắp nơi trong vùng, với thành phần thạch học: đá bazan lỗ hổng hay đặc xit, phần trên bị phong hoá mạnh tạo thành lớp vỏ phong hoá dày 2-5m gồm sét, bột laterit và bazan phong hoá dở dang. Nước trong đá bazan là nước nhạt (M = 0,26-0,32g/l); loại hình hoá học chủ yếu là Clorua bicarbonat natri. Nước đủ tiêu chuẩn cho ăn uống và sinh hoạt.

Tầng chứa nước hệ Jura (j): Tầng chứa nước này gồm hệ tầng Bàn Cờ (J1bc), Khe Rèn (J1kr)  và Hữu Chánh (J2hc), phân bố rộng ở trũng An Điền, lộ ra ở Thọ Lâm, bắc Bến Giằng và một vài nơi khác. Diện lộ khoảng 230km2. Thành phần thạch học: cuội sạn kết, cát kết, sét kết, sét vôi và các thấu kính than. Nước có chất lượng nước tốt, thuộc loại siêu nhạt.

– Tầng chứa nước hệ Triast trung thượng (t) : gồm các hệ tầng Nông Sơn (T3n-rns), Sông Bung (T1-2sb), Thành phần đất đá gồm các trầm tích lục nguyên: sạn kết, cát bột kết … xen kẹp các lớp phun trào riolit, riolit đaxit. Phân bố ở vùng trũng An Điềm và vài nơi trong vùng.

– Tầng chứa nước hệ tầng Ngũ Hành Sơn (c-p): Bao gồm các trầm tích lục nguyên carbonat của hệ tầng Ngũ Hành Sơn (C-Pnhs), phân bố ở Quảng Nam-Đà Nẵng thành 3 dải, phần lớn bị phủ bởi trầm tích Kainozoi. Thành phần thạch học: chủ yếu là đá hoa xen kẹp đá phiến dạng quăczit, mức độ nứt nẻ mạnh, tạo các hang hốc karst. Nước thuộc loại siêu nhạt đến rất mặn.. Trong diện tích nước nhạt có thể điều tra cấp nước ở quy mô vừa đến lớn.

– Tầng chứa nước hệ tầng Devon (D1): thuộc hệ tầng Tân Lâm (D1tl), phân bố ở phía bắc tỉnh với thành phần thạch học gồm: cuội kết, cát kết, cát sạn kết … xen kẹp tập đá phiến sét, cát kết dạng quăczit, chiều dày của tầng khoảng 700m.

Tầng chứa nước hệ tầng A Vương (e-o): thành phần hoá học chủ yếu là Clorua-Bicacbonat Natri và Bicacbonat Calci, với M từ 0,1 – 1,99g/l. Trong đó khu vực nhiễm mặn nằm ở phía Đông từ lỗ khoan 711 (Điện Bàn) kéo dài về phía Ngũ Hành Sơn.

Tầng chứa nước khe nứt trong đá biến chất (pp)

Thành tạo nên tầng chứa nước này là các đá biến chất Hệ tầng Sơn Kỳ, Ba Điền, Tiên An, Sơn Thành, Nước Lay, phân bố chủ yếu ở phía tây nam tỉnh Quảng Nam và tây bắc tỉnh Quảng Ngãi. Thành phần chủ yếu là đá phiến thạch anh biotit, amphibol, phiến thạch anh – plagioclas, với chiều dày chung của hệ tầng khoảng 1.000m và lớn hơn. Trong tầng chứa nước này, đá có cấu tạo rắn chắc, ít nứt nẻ, khả năng chứa nước kém. Vì vậy tầng chứa nước này có thể khai thác để cung cấp nước nhỏ lẻ.