Các kết quả đạt được của dự án “Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ – Pha 4” trong năm 2017 là gì?

Kết quả thực hiện nhiệm vụ Dự án năm 2017 đúng tiến độ, hoàn thành khối lượng các dạng công tác theo nhiệm vụ kế hoạch giao.

Kết thúc thi công tài liệu được chỉnh lý phục vụ thi công các dạng công tác tiếp theo và nghiệm thu. Các lỗ khoan thi công đúng vị trí, nghiên cứu đúng đối tượng là tầng chứa nước Pliocen dưới (n21), phục vụ đúng đối tượng là cán bộ công nhân viên của Vườn Quốc gia và nhân dân ở vùng sâu, vùng biên giới.

Các kết quả mà dự án đạt được trong năm 2017

–  Công tác địa vật lý:

Đã xác định được chiều sâu phân bố, chiều dày trầm tích có triển vọng chứa nước, mức độ mặn nhạt của NDĐ làm cơ sở để chống ống các lỗ khoan S411 và S413.

–  Công tác khoan các lỗ khoan S411 và S413 đạt yêu cầu kỹ thuật. Khối lượng khoan giảm do tại lỗ khoan S411 khoan đến chiều sâu 225,0m vào đá gốc phong hóa nên chiều sâu lỗ khoan giảm so với dự kiến (15m). Đã xác định chính xác địa tầng của 2 lỗ khoan S411 và S413 hoàn thành tất cả các hạng mục công việc để phục vụ thi công các dạng công tác tiếp theo.

–  Công tác bơm nước thí nghiệm các lỗ khoan S411 và S413 đạt yêu cầu, đúng như khối lượng đã được phê duyệt, lỗ khoan có lưu lượng đạt yêu cầu đưa vào khai thác, sử dụng (Ht = +2,25m và 2,85m, S = 7,07 và 13,74m, Q = 16,31/s và 11,61l/s, tương đương 58,72m3/h và 41,80m3/h).

– Công tác trắc địa: Đã xác định tọa độ (X, Y) của lỗ khoan S411 và S413 bằng GPS cầm tay theo hệ tọa độ VN 2.000 và đưa lên bản đồ.

– Công tác lấy và phân tích mẫu nước: Lấy và phân  tích đầy đủ số lượng mẫu nước, phục vụ cho việc đánh giá chất lượng nước vùng điều tra.

Kết quả phân tích mẫu nước lỗ khoan S411 và S413 cho nước nhạt, hàm lượng Cl = 3,55mg/l và 7,09mg/l, tổng độ khoáng hóa M = 0,39g/l và 0,30g/l, hàm lượng sắt chuyên Fe = 0,65mg/l và 0,26mg/l. Nước có chất lượng đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm (QCVN09-MT: 2015/BTNMT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN01: 2009/BYT). Chỉ duy nhất hàm lượng sắt tại LKS411 hơi cao hơn QCVN 01 (0,65mg/l/0,30mg/l), cần phải xử lý trước khi đưa vào sử dụng.

– Công tác bàn giao lỗ khoan cho địa phương:

Lỗ khoan S411 và S413 sau khi hoàn thành, kết thúc nghiên cứu đã được bàn giao cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát và UBND xã Phước Vinh khai thác sử dụng phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ công nhân viên và khách du lịch của Vườn Quốc gia và nhân dân xã Phước Vinh. Ngoài ra NDĐ tại lỗ khoan S411 còn được sử dụng để phòng chống cháy rừng cho Vưởn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát.

Những phát hiện mới

Kết quả thi công các dạng công tác điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ đã có những phát hiện mới như sau:

Khoanh định được ranh giới mặn nhạt của các tầng chứa nước Pliocen giữa  (n22), Pliocen dưới (n21) và Miocen trên (n13) tại khu vực các xã phía tây của tỉnh Tây Ninh và được chính xác hóa bởi kết quả thi công các lỗ khoan S411 tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên và S413 tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

– Cả 2 lỗ khoan đều có lưu lượng rất lớn:

Lỗ khoan S411 tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có công suất 1.409m3/ngày, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 11.741 người (tiêu chuẩn 120 l/người/ngày).

Lỗ khoan S413 tại Ủy ban nhân dân xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh công suất 1.003m3/ngày, có thể cấp nước cho 8.358 người (tiêu chuẩn 120 l/người/ngày).

– Đặc biệt khu vực phía tây bắc của tỉnh Tây Ninh tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát nước dưới đất của TCN Pliocen dưới (n21) tự phun cao trên mặt đất 2,25m (LKS411).

– Hàm lượng các chỉ tiêu về chất lượng nước của các lỗ khoan S411 và S413 (tầng n21) không những đạt yêu cầu đối với Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm (QCVN09-MT: 2015/BTNMT) mà còn đạt yêu cầu đối với Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế (QCVN01: 2009/BYT), chỉ có duy nhất hàm lượng sắt hơi cao hơn QCVN 01 (0,65mg/l/0,30mg/l), cần phải xử lý trước khi đưa vào sử dụng.