Cơ sở thực tiễn cho việc bổ sung và hoàn thiện mạng lưới quan trắc vùng Tây Nguyên là gì?

Để làm rõ cơ sở thực tiễn cho việc bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên, đề tài đã tiến hành đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo đến tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên, phân vùng động thái nước dưới đất và xây dựng bản đồ chỉ số (mức độ ưu tiên) quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên.

– Các điều kiện tự nhiên và nhân tạo chủ yếu tác động đến tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên: Trên cơ sở phân tích đặc điểm động thái nước dưới đất vùng Tây Nguyên và đánh giá mối quan hệ của chúng với các điều kiện tự nhiên và nhân tạo của vùng đã xác định được sự tác động của một số nhân tố tự nhiên và nhân tạo chủ yếu tác động đến tài nguyên nước của khu vực Tây Nguyên, gồm:

+ Các nhân tố nhân tạo chủ yếu tác động đến tài nguyên nước vùng Tây Nguyên, gồm: khai thác nước dưới đất, tưới tiêu nông nghiệp và một số hoạt động khác như khai thác khoáng sản, chặt phá rừng, vv…

+ Các nhân tố tự nhiên chủ yếu tác động đến tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên, gồm: địa hình, địa chất, địa chất thủy văn, khí hậu (mưa, bốc hơi), thủy văn, vv…

– Phân vùng động thái nước dưới đất vùng Tây Nguyên: Việc tiến hành phân vùng động tháo nước dưới đất cho vùng Tây Nguyên được dựa trên phương pháp đã được áp dụng trong “Báo cáo kết quả quan trắc động thái NDĐ vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2001-2005”, đó là dựa trên những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến động thái NDĐ là chính, có xem xét đến những điều kiện thành tạo nên chúng. Các đơn vị phân vùng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ lần lượt là vùng – khu – khoảnh. Kết quả phân vùng cụ thể như sau:

+ Vùng là đơn vị lớn nhất, cơ sở để phân chia dựa vào nhóm các nhân tố hình thành động thái. Kết quả chia ra 2 vùng: vùng động thái tự nhiên (A) và vùng động thái bị phá hủy (B).

+ Trong vùng động thái tự nhiên, dựa trên cơ sở phân tích nguồn cung cấp nước cho NDĐ, chủ yếu là nước mưa cũng như tương quan mưa và bốc hơi để phân ra thành 03 khu động thái, gồm: cung cấp nước dồi dào (I), cung cấp nước trung bình (II) và cung cấp nước yếu (III). Tiếp theo, trong mỗi khu lại được chia ra các khoảnh động thái dựa vào địa hình, địa mạo, mức độ trao đổi nước… Kết quả phân ra 4 khu: khoảnh động thái núi nhọn, sườn dốc (1), khoảnh động thái đồi và sườn thoải (2) khoảnh động thái thềm (3) và khoảnh động thái rìa sông và bãi bồi (4).

+ Trong vùng động thái bị phá hủy, dựa vào nhân tố gây phá hủy động thái NDĐ chia vùng động thái bị phá hủy ra 2 khu động thái: khu động thái bị phá hủy do khai thác NDĐ, khu động thái bị phá hủy do tưới.

– Phân vùng mức độ ưu tiên quan trắc: việc phân vùng mức độ ưu tiên quan trắc được xác định theo phương pháp do Marjorie E. Bedessem và một số nhà khoa học khác của Hoa Kỳ đề xuất. Theo phương pháp này, các TCN hay bồn/vùng NDĐ được đánh giá (nhằm tìm ra đối tượng ưu tiên của công tác quan trắc) dựa trên các khía cạnh: mục đích sử dụng nước hiện tại, độ nhạy cảm ô nhiễm theo “mô hình DRASTIC sửa đổi” và tiềm năng ô nhiễm bề mặt từ các loại hình sử dụng đất. Áp dụng phương pháp do Marjorie E. Bedessem và nnk đề xuất như đã nêu trên đây có thể thỏa mãn được cả hai nhu cầu: ưu tiên cho đánh giá tiềm năng nhằm khai thác tài nguyên NDĐ và điều tra nghiên cứu nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường. Bởi vì khi đề cập đến độ nhạy cảm của TCN, các khía cạnh về tính thấm và môi trường TCN – những khía cạnh phản ánh tiềm năng NDĐ – đã được xem xét, đánh giá. Điều này phần nào khắc phục được những hạn chế của việc lựa chọn vùng ưu tiên khi lập mạng lưới quan trắc tài nguyên NDĐ vùng Tây Nguyên hiện nay là việc lựa chọn chủ yếu dựa vào các đặc điểm tự nhiên và thiên về đánh giá nhằm khai thác tài nguyên nước dưới đất hơn là điều tra, nghiên cứu nhằm bảo vệ môi trường.

Trong quá trình áp dụng phương pháp đánh giá mức độ ưu tiên quan trắc do Marjorie E. Bedessem và nnk đề xuất như đã nêu trên vào vùng nghiên cứu Tây Nguyên, nội dung tiến hành được chỉnh biên, rút gọn một số chi tiết cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như nguồn thông tin dữ liệu hiện có. Theo đó việc tính điểm (mức độ ưu tiên quan trắc) sẽ được xác định theo ba yếu tố: (1) mức độ nhạy cảm ô nhiễm NDĐ theo mô hình DRASTIC chuyển đổi, (2) hiện trạng sử dụng NDĐ, và (3) hiện trạng sử dụng đất đa hợp. Kết quả phân vùng ưu tiên quan trắc góp phần định hướng cho việc rà soát mạng lưới công trình quan trắc hiện hữu cũng như thiết kế bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên NDĐ vùng Tây Nguyên.