Có những biện pháp công trình, phi công trình nào để phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông Mã ?

Trả lời:

Các tác hại do nước như: xâm nhập mặn, triều cường, hạn hán, thiếu nước, lũ lụt tác động rất lớn sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, đặc biệt là LVS Mã chịu tác động rất lớn. Do vậy, trong suốt những năm qua tất cả các cơ quan trung ương và các địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, cụ thể như sau:

– Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, thì ở Trung ương và các địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo phòng chống thiên tai để tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

– Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã nhằm các mục tiêu đảm bảo an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du, cấp nước và đẩy mặn cho khu vực hạ du; ngoài ra đối với các hồ cũng đã xây dựng và cắm mốc hành lang thoát lũ.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Mã. Hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước và quy hoạch tổng hợp các LVS liên tỉnh. Ngoài ra, một số địa phương đã tiến hành xây dựng các Quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi,… ở cấp tỉnh, trong đó đã đề ra nhiều giải pháp cả công trình và phi công trình để phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

– Đẩy mạnh công tác quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, tránh hiện tượng khai thác quá mức gáy sụt lún đất;

– Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trên cơ sở đó một số địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Nghị định để hạn chế khai thác nước dưới đất, chuyển dần sang khai thác nước mặt nhằm phòng chống nguy cơ sụt lún do khai thác, sử dụng nước dưới đất quá mức;

– Xây dựng các hệ thống công trình đê, kè, cống nhằm khắc phục các hiện tượng sạt lở bờ sông, thực hiện các giải pháp chống ngập úng.

– Hiện nay, các địa phương thuộc LVS Mã như tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã tích cực quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên sinh và đồng thời tổ chức thực hiện trồng rừng phòng chống lũ ống, lũ quét và trượt lở đất.

Người dân trồng rừng để phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất

– Một số biện pháp khác cũng đã được thực hiện: xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên nước, cảnh báo thiên tai; xây dựng các cơ sở dữ liệu trực tuyến quản lý tài nguyên nước thiên tai; hỗ trợ kinh phí, di dân các khu vực bị thiệt hạ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngưới dân về các thiên tai về tài nguyên nước.