Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, phục vụ cho phát triển bền vững của Thành phố Hà Nội

Thực hiện theo Quyết định số 6719/QĐ-UBND ngày 24/12/2009 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đề án “ Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2”, việc xây dựng CSDL tài nguyên nước là rất cần thiết nhằm quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước và phát triển bền vững của Thành phố.

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước ở thành phố Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập như tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có quy hoạch, không được cấp thẩm quyền cho phép… từ đó đã làm ảnh hưởng xấu đến số lượng và chất lượng nguồn nước, gây sụt lún đất, ngoài ra, tình trạng tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn còn xảy ra ở một số nơi trong thành phố.  Vì vậy, việc quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chính quyền và nhân dân thành phố.  Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng giai đoạn II” được thực hiện trong 3 năm (2010-2012) gồm toàn bộ diện tích của tỉnh Hà Tây cũ: 219.931 ha, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc: 14.164 ha và 04 xã cũ thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung có diện tích 8752 ha,  đã giúp công tác quản lý tài nguyên nước của thành phố Hà Nội trở nên thuận lợi hơn.

Dự án được thực hiện nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố Hà Nội trên cơ sở kết quả đạt được của giai đoạn I; đáp ứng được nhu cầu khai thác, sử dụng và trao đổi thông tin về tài nguyên nước của thành phố; tổ chức vận hành khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước để phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước của thành phố được thuận tiện và hiệu quả.

Hệ thống thông tin gồm dữ liệu về tài nguyên nước được cập nhật vào CSDL; bộ bản đồ số hiện trạng khai thác sử dụng nước mặt, nước dưới đất thành phố Hà Nội mở rộng, bản đồ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng chất lượng nước mặt và chất lượng các điểm xả thải; mô hình toán trữ lượng NDĐ đã chỉnh lý, các kết quả tính toán trữ lượng và phần mềm mô hình số VisualModflow,…

Bộ phần mềm CSDL tài nguyên nước được xây dựng bằng công nghệ hiện đại (Web GIS) cho phép liên kết dữ liệu và bộ bản đồ tài nguyên nước thành phố Hà Nội, trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho việc khai thác sử dụng và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên toàn thành phố.

Với CSDL này, đề án đã xác định được số lượng trữ lượng khai thác nước ngầm  đang sử dụng trên toàn thành phố Hà Nội khoảng 1.779.399 m3/ngày và trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm khoảng 8.362.000 m3/ngày và dự báo trữ lượng khai thác nước ngầm với quy mô lớn và vừa(>5.000m3/ngày) có thể đạt khoảng 2.132.000 m3/ngày, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch cho toàn thành phố Hà Nội đến 2020 bằng nguồn nước ngầm.

Được biết, Việt Nam chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước từ Trung ương tới địa phương. Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước vẫn nằm phân tán ở các Bộ, ngành, địa phương dưới dạng hồ sơ, báo cáo thuyết minh, bản vẽ, bản đồ bằng giấy, gây khó khăn cho công tác quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên nước. Hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước nhằm thống nhất một đầu mối có tính kết nối giữa Trung ương và địa phương, không chỉ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường mà kết nối với các Bộ, ngành khác. Thành phố Hà Nội nơi là đi đầu trên cả nước trong việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước./.

(Hồng Ngọc – TT Dữ liệu QH&ĐT TNN)