Vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ: Khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các tỉnh duyên hải ven biển. Quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, xã hội đã gây ô nhiễm nặng nề cho các tầng chứa nước ngầm, khiến cho khả năng tự phục hồi của các tầng chứa nước bị suy giảm. Vì vậy, nghiên cứu về khả năng tự bảo vệ để khoanh vùng là điều vô cùng quan trọng.

Khả năng tự bảo vệ có thể được hiểu “là khả năng tự chống lại của tầng chứa nước khi bị ảnh hưởng bất lợi do chất ô nhiễm tác động lên”. Một số nơi dùng thuật ngữ “tính dễ bị tổn thương của nước ngầm” được hiểu với ý nghĩa đối lập với khả năng tự bảo vệ trước ô nhiễm. Đánh giá khả năng tự bảo vệ của tầng chứa nước chính là việc kiểm tra “sức khoẻ nội tại” của tầng chứa nước trước những nguy cơ nhiễm bẩn tác động đến.

Vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ (Phạm vi thực hiện dự án gồm 3 tỉnh là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình do Quảng Ninh có dự án riêng) với tổng diện tích 4584 km2, trong đó tỉnh Thái Bình 1546 km2, Nam Định 1652 km2, Ninh Bình 1386 km2.). Mục tiêu chính của dự án là đánh giá và xây dựng được bản đồ khả năng tự bảo vệ cho các tầng chứa nước chính (qh, qp và T2a đg) cũng như đề xuất và định hướng cho khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.

Phạm vi thực hiện của dự án: Phạm vi thực hiện dự án vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ (trong đó có 3 tỉnh là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) với tổng diện tích 4584 km2, trong đó tỉnh Thái Bình 1546 km2, Nam Định 1652 km2, Ninh Bình 1386 km2. Giới hạn trong 3 tầng chứa nước chính: Holocen (qh), Pleistocen (qp) và karst (T2a đg).

Điều tra và đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất trên thế giới được thực hiện ngày càng phổ biến và đã trở thành một phần quan trọng trong điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất. Trên thế giới có nhiều công trình điều tra, đánh khả năng tự bảo vệ tầng chứa nước. Điển hình như ở Mỹ đã tiến hành thực hiện các dự án như: Mức độ nhạy cảm nhiễm bẩn nước dưới đất ở Minesota do Porcher thực hiện 1988; Hệ thống tiêu chuẩn để xác định vị trí các bãi thải ở Mỹ do Legrand thực hiện năm 1988; Tính toán nhiễm  bẩn Nitrat nước dưới đất ở Mỹ do Viện nước dưới đất và môi trường, Đại học Oklahoma thành lập năm 1988, … Ở vùng Trung Cận Đông có các dự án: bản đồ dễ tổn thương nước dưới đất vùng Irbid do Margane và các cộng sự thực hiện năm 1997 và 1999; khu vực Nam Amman do Hijazi và các cộng sự thực hiện năm 1999,… Ở khu vực Châu Âu có các dự án: Lập bản đồ khả năng dễ bị nhiễm bẩn của Bỉ do sở Tài nguyên nước và môi trường vùng Flemish (Bỉ) thành lập năm 1987; Khả năng dễ bị nhiễm bẩn của nước dưới đất đối với sự ô nhiễm của Nitrat do các hoạt động canh nông ở Anh do sở điều tra đất trồng của Anh, Wale và sở địa chất Anh (Carter, Plamer và Moukhouse) thành lập năm 1987; Đánh giá độ nhạy cảm của tầng chứa nước đối với sự lắng đọng acid ở châu Âu do Holnberg Johnston và Maxe thuộc viện nghiên cứu quốc tế về phân tích hệ thống ứng dụng (IFASA) thành lập năm 1987,… Các dự án điều tra đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất đã được tiến hành và có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn ứng dụng vào thực tế từ hàng thập kỷ qua.

(Thanh Sơn)