Thành Lập bản đồ ĐCTV – ĐCCT tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Vùng Vị Thanh – Long Mỹ là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh Hậu Giang mới được tách ra từ thành phố Cần Thơ năm 2004. Vì là một vùng mới tách tỉnh, các công tác điều  tra cơ bản về tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng hầu như chưa được thực hiện. Để có những thông tin cơ bản về tài nguyên đất và nước, UBND tỉnh Hậu Giang đã tiến hành đề án “Lập bản đồ ĐCTV – ĐCCT tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”.

Sau khi thực hiện, đề án đã đạt được những kết quả sau:

1. Về đặc điểm địa chất:

Đã phân chia được các phân vị địa tầng địa chất có mặt trong vùng dựa vào các kết quả phân tích bào tử phấn, vi cổ sinh tại các lỗ khoan sâu từ 460 – 500m, làm chính xác thêm sự tồn tại 3 địa tầng Q2; Q13 và N13, điều mà khi lập đề án chưa có cơ sở để xác lập.

Tuy nhiên do diện tích nghiên cứu rộng, mật độ các lỗ khoan nghiên cứu còn thưa, nên việc nối ranh giới và khoanh định các phân vị địa chất cần đuợc bổ sung công trình nghiên cứu làm chính xác thêm. Đây là một hạn chế của đề án mà các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo cần làm sáng tỏ.         

2. Địa chất thủy văn

Đề án đã xác định trong vùng nghiên cứu tồn tại 7 tầng chứa nước là qh; qp3; qp2-3; qp1; n22; n21 và n13, trong đó 3 tầng chứa nước qh; qp1; n22 có diện phân bố nhỏ hoặc mặn, không có ý nghĩa cho mục đích cấp nước với quy mô tập trung, chỉ nên dùng các giếng khoan khai thác nhỏ phục vụ cấp nước sinh hoạt cho gia đình hoặc cơ quan đơn lẻ. 3 tầng chứa nước qp3, qp2-3 và n21 có ý nghĩa quan trọng cho mục đích khai thác nước dưới đất với quy mô lớn. Tầng chứa nước n13 mức độ nghiên cứu còn ít nhưng cũng có triển vọng khai thác.

So với trước khi thực hiện đề án đã khoanh định được chính xác diện tích phân bố nước nhạt và trữ lượng khai thác của các tầng chứa nước cụ thể như sau:

+ Tầng chứa nước qh có diện tích phân bố nước nhạt là 123,7km2, trữ lượng khai thác tiềm năng là 10.163m3/ngày.

+ Tầng chứa nước qp3 có diện tích phân bố nước nhạt là 489,5km2, trữ lượng khai thác tiềm năng là 77.932m3/ngày.

+ Tầng chứa nước qp2-3 có diện tích phân bố nước nhạt là 886,4km2, trữ lượng khai thác tiềm năng là 244.492m3/ngày.

+ Tầng chứa nước qp1 có diện tích phân bố nước nhạt là 294,1km2, trữ lượng khai thác tiềm năng là 56.861m3/ngày.

+ Tầng chứa nước n21 có diện tích phân bố nước nhạt là 1035,6km2, trữ lượng khai thác tiềm năng là 267.500m3/ngày.

+ Tầng chứa nước n13 có diện tích phân bố nước nhạt là 397,0km2, trữ lượng khai thác tiềm năng là 127.577m3/ngày.

– Các tầng chứa nước qp3 và qp2-3 trước đây cho là chứa nước nhạt hoàn toàn hoặc chỉ có 1 dải chứa nước mặn, kết quả đề án đã chỉ ra diện tích chứa nước nhạt khá lớn, cụ thể là 489,5km2 (qp3) và 886,40km2 (qp2-3).

– Tầng chứa nước n22 trước đây xác định là có nước nhạt trên diện tích 94,88km2 ở phía đông bắc, nhưng kết quả đề án chỉ ra rằng nước dưới đất trong tầng này bị mặn hoàn toàn.

Đặc biệt trong tầng chứa nước n21 trước đây xác định chỉ có nước nhạt trên diện tích 417,9km2 ở phía đông vùng nghiên cứu, kết quả của đề án đã chỉ ra diện phân bố nước nhạt khá lớn (1.035,6km2) khả năng chứa nước từ trung bình đến giàu.

Các phát hiện mới nêu trên của đề án rất có ích trong việc định hướng thăm dò khai thác và quy hoạch sử dụng tài nguyên nước dưới đất. Cụ thể như sau:

– Tại khu vực Long Mỹ và phía tây nam vùng nghiên cứu tồn tại từ 3 – 4 tầng nước nhạt có chất lượng và trữ lượng đảm bảo cấp nước ăn uống sinh hoạt ở quy mô lớn.

– Khu vực phía đông bắc huyện Phụng Hiệp tồn tại 2 – 3 tầng nước nhạt có chất lượng và trữ lượng đảm bảo cấp nước ăn uống sinh hoạt ở quy mô trung bình.

3. Địa chất công trình: Đề án đã đạt được các kết quả chính sau:

– Đã thành lập được bản đồ địa chất công trình, bản đồ phân vùng địa chất công trình, bản đồ sức chịu tải quy ước của nền đất, bản đồ cột địa tầng các lỗ khoan địa chất công trình tỷ lệ 1/50.00 khu Vị Thanh.

– Trong phạm vi ảnh hưởng của móng các công trình xây dựng và nền đất (0 – 50m) đất đá được phân chia thành 3 loạt thạch học nguồn gốc ứng với 6 phức hệ thạch học nguồn gốc là: aCQ23; bmCOQ23; bmCMQ13; amCMQ22-3; amCMQ21-2; và amSQ21-3.

– Để phân chia đất nền thành những khu vực có sức chịu tải khác nhau làm cơ sở cho các dự án xây dựng công trình, đã khoanh vùng đất yếu và chiều dày của chúng để cơ sở chọn chiều sâu thiết kế khảo sát, loại móng, chiều sâu móng và các biện pháp thi công các công trình trên nền đất.

– Đã phân chia được 3 vùng và 4 khu địa chất công trình và theo đó, tất cả các khu đều không thuận lợi cho xây dựng. Tuỳ thuộc vào tính chất và tải trọng công trình, có thể áp dụng các biện pháp cải tạo đất nền như cọc cát, bấc thấm và đi cùng với gia tải trước cho các công trình tải trọng phân bố đều (kho, nhà xưởng) hoặc nền đường, hoặc móng cọc cho các công trình có tải trọng vừa và lớn với chiều sâu đặt móng vào các phức hệ thạch học amCMQ22-3, amCMQ21-2 hoặc bmCMQ13.

(Thanh Sơn)