Quy trình xác định khả năng chuyển nước giữa các lưu vực sông

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động liên quan đến phát triển tài nguyên nước diễn ra ngày càng mạnh mẽ do nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế/lĩnh vực/hộ dùng nước không ngừng tăng cao kể cả chất và lượng. Các hoạt động nhằm cung cấp, phân phối nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng nước là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xã hội hiện đại.

Năm 2015, Trung tâm Kỹ thuật và Tư vấn Tài nguyên nước đã thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy trình xác định khả năng chuyển nước giữa các lưu vực sông. Áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

Đề tài xác định được nguyên tắc quan trọng để xác định khả năng chuyển nước giữa các lưu vực sông là phải đảm bảo tính bền vững, hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.  

Cụ thể phải đảm bảo:

– Ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt các đô thị lớn, khu công nghiệp, kinh tế tập trung và các ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao, bảo đảm tưới hợp lý cho cây trồng.

– Xác định lượng nước cần duy trì để bảo đảm yêu cầu cấp nước cho môi trường đối với tất các các sông.

– Vị trí chuyển nước thuận lợi; đảm bảo an toàn cho công trình chuyển nước;

– Phải dựa vào tình hình thực tế của nguồn nước.

Tiếp đó:

+ Xác định khả năng chuyển nước và phân bổ nguồn nước

+ Đề xuất phương án phân bổ nguồn nước

+ Áp dụng mô hình WEAP tính toán cân bằng nước giai đoạn hiện tại 

 

Áp dụng quy trình xác định khả năng chuyển nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

+ Dự báo nhu cầu sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn giai đoạn 2020 

Căn cứ định hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và các chỉ tiêu cấp nước cho các ngành khai thác sử dụng nước trong tương lai, chúng tôi đã tính toán, dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đến năm 2020 là 2.444,07 triệu m3/năm. Trong đó: cấp cho sinh hoạt là: 101,55 triệu m3/năm, cấp cho nông nghiệp là 1.969,35 triệu m3/năm, cấp cho thủy sản là 123,44 triệu m3/năm, cấp cho công nghiệp là 27,54 triệu m3/năm và cấp cho môi trường là 222,19 triệu m3/năm 

+ Tính toán lượng dòng chảy và xác định lượng nước có thể phân bổ đến trên các tiểu vùng. Xây dựng các phương án phân bổ nguồn nước 

Quy trình xác định khả năng chuyển nước giữa các lưu vực sông có vai trò quan trọng trong bài toán quy hoạch tài nguyên nước, cụ thể là quy hoạch phân bổ nguồn nước.

Đề tài đã nghiên cứu về một trong những vấn đề đã và đang nóng trong lĩnh vực tài nguyên nước hiện nay, đó là xác định khả năng chuyển nước giữa các lưu vực sông. Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần làm sáng tỏ thêm về cơ sở khoa học cũng như ứng dụng các vấn đề trong quy hoạch, quản lý và phát triển tài nguyên nước ở nước ta.

Đề tài đã tập trung phân tích, đánh giá các kết quả nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực xác định lượng nước có thể chuyển; Việc xác định được lượng nước có thể chuyển giữa các lưu vực sông dựa trên quy trình xác định lượng nước có thể phân bổ, nhu cầu khai thác sử dụng nước của các hộ ngành để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và môi trường đã đề ra. Tuy nhiên cách tính lượng nước có thể sử dụng để phân bổ cho các ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Các kết quả nghiên cứu đã thu được ở trên cho thấy, đề tài đã thực hiện được một khối lượng công việc nghiên cứu không nhỏ và thực hiện được mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Từ các kết quả thu được, có thể thấy đề tài đã có các đóng góp chủ yếu như sau:

1. Hướng tiếp cận và các kết quả nghiên cứu của đề tài phản ảnh một phương pháp, một hướng tiếp cận theo khía cạnh bảo đảm các nhu cầu khai thác, sử dụng và phạm vi không hẳn chỉ theo toàn bộ lưu vực sẽ là nguồn tài liệu tham khảo, làm căn cứ đưa ra những biện pháp cũng như các quyết định có liên quan, giúp quản lý và điều chỉnh các hành vi khai thác của các đối tượng khai thác, sử dụng nước giữa các lưu vực sông có chuyển nước. Làm nổi bật việc xác định khả năng chuyển nước ngoài mục đích nhằm đảm bảo sức khỏe của dòng sông còn đảm bảo được các nhu cầu khai thác, sử dụng nước thay đổi theo không gian và thời gian. 

2. Đề tài đã nghiên cứu ứng dụng một số phương pháp tính toán, đánh giá khả năng chuyển nước của lưu vực sông (phương pháp thuỷ văn, phương pháp thuỷ lực,…) và qua nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp kết hợp giữa các yếu tố thuỷ văn (lưu lượng nước và thời gian duy trì dòng chảy), các kết quả nghiên cứu về xác định lượng nước có thể chuyển đã bước đầu tạo cơ sở cho việc đề xuất, lựa chọn các phương án phân bổ nguồn nước, phục vụ công tác quy hoạch phân bổ tài nguyên nước.

3. Trên cơ sở hệ thống các chỉ tiêu và quy trình xác định khả năng chuyển nước đã được đề xuất, đề tài đã áp dụng đối với lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Các kết quả tính toán về cơ bản phù hợp với các nhận đinh và tính toán của một số nghiên cứu trước đây.

Để đạt được mục tiêu chung bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần nâng cao hiệu quả hợp tác, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan, giữa các ngành sử dụng, cũng như các mục tiêu cụ thể đưa ra trong Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020.