Định hình bức tranh tổng thể về tài nguyên nước tỉnh Hà Giang

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía bắc và tây có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài 274 km; phía đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang; phía tây và tây nam giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.Hiện nay, về mùa khô, tại 4 huyện cao nguyên đá tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh người dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, việc đánh giá sự tồn tại, các vấn đề trong khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển chung của toàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Với nhiệm vụ đánh giá số lượng, chất lượng tài nguyên nước và dự báo xu thế diễn biến tài nguyên nước qua các thời kỳ, đánh giá hiện trạng, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên cơ sở phân tích hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh Hà Giang đã được nêu ra trong báo cáo “Lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2020” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ TN&MT thực hiện năm 2011. Theo đó, tài nguyên nước mặt của tỉnh phong phú do có tâm mưa ở Hà Giang, lượng mưa trung bình hàng năm lên tới 4.800 mm. Kết quả tính toán lượng nước đến cho các sông suối trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm sinh ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang khá dồi dào, đạt 8,3 tỷ m3/năm. Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được tính toán trên 16 khu cân bằng với tổng trữ lượng toàn tỉnh tỉnh xác định được là 1.657.768 m3/ngày.

IMG_6563

Tổng nhu cầu nước toàn tỉnh năm 2010 là 316,7 triệu m³/năm, đến năm 2020 nhu cầu 387,37 triệu m³/năm. Quy hoạch đã tính toán cân bằng nước mặt theo 2 trường hợp nước đến trung bình và nước đến ít cũng như cân bằng nước dưới đất cho nhu cầu sử dụng đến năm 2020, qua đó đánh giá khả năng đáp ứng của tài nguyên nước và ngưỡng giới hạn khai thác nước cho từng khu vực. Quy hoạch cũng đưa ra 3 phương án phân bổ tài nguyên nước ứng với 2 trường hợp năm nước ít và năm nước trung bình. Qua tính toán định lượng cân bằng nước 3 phương án đã đưa ra được bức tranh tổng thể về việc phân bổ chia sẻ nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Từ đó xác định được các khả năng thiếu nước trong các kỳ quy hoạch theo từng phương án. Đã lựa chọn phương án 3 đề xuất cho quy hoạch tài nguyên nước là phương án phân bổ, chia sẻ nguồn nước một cách hài hòa, đồng thời đảm bảo được các mục tiêu sử dụng nước. Phương án này đảm bảo 100% nhu cầu nước cho sinh hoạt và hạn chế mức thiếu nước thấp nhất cho các ngành nghề khác, đồng thời đảm bảo nhu cầunước cho môi trường trên sông chính.

Trên cơ sở phương án phân bổ tài nguyên nước, các ngành, địa phương đề xuất triển khai các dự án khai thác nước, xác định được các ưu tiên phù hợp trong việc phân bổ chia sẻ nguồn nước; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, tăng cường trao đổi thông tin tài nguyên nước và dữ liệu liên quan phục vụ giám sát, chỉ đạo quản lý khắc phục và giảm thiểu tác động của tình trạng suy giảm nguồn nước đến đời sống và phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường; hiện nay, tỉnh đã có một số lỗ khoan ở các huyện phía Bắc có nước nhưng chưa được khai thác, sử dụng, trong thời gian tới cần tiến hành thi công khai thác phục vụ nhân dân. Để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng nước, cần khảo sát chi tiết các công trình khai thác nước mặt, nước ngầm, qua đó, tiến hành nâng cấp, sửa chữa các công trình đã bị xuống cấp và hư hỏng…

Những thông tin trên được coi như là một bức tranh tổng quan nhất về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nó là cơ sở cho việc hoạch định những chính sách phát triển phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, mặc khác đây là những thông tin quý báu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước tại tỉnh Hà Giang./.

(Mai Phú Lực – Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước)