Công tác dự báo tài nguyên nước dưới đất được tiến hành từ đầu những năm 90. Các dạng dự báo chủ yếu là dự báo trữ lượng, dự báo mực nước dưới đất,…Các phương pháp áp dụng chủ yếu là thống kê, giải tích và mô hình số.
Ở vùng Tây Nguyên mới chỉ có một số công trình nghiên cứu liên quan đến dự báo tài nguyên nước. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu đã lâu, có một số hạn chế về cơ sở tài liệu, chưa áp dụng rộng rãi trong công tác thông báo, cảnh báo và dự báo mực nước dưới đất. Xuất phát từ thực tế đó, công tác dự báo tài nguyên nước dưới đất cần được đầu tư để chuyển hóa thông tin đến các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu xây dựng các phương pháp dự báo tài nguyên nước dưới đất ở vùng bazan Tây Nguyên và xây dựng khung bản tin thông báo, cảnh báo và dự báo là một việc làm thiết thực, mang tính ứng dụng cao.
Đề tài đã nghiên cứu và lựa chọn phương pháp dự báo tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên: phương pháp phân tích hàm tương quan, phương pháp Buxinet Maie, phương pháp phân tích hàm xu thế và hàm điều hòa. Đề tài đã áp dụng các phương pháp để dự báo mực nước đối với một số công trình quan trắc.
+) Phương pháp phân tích hàm tương quan giữa mực nước dưới đất với các nhân tố ảnh hưởng giúp chúng ta có thể dự báo được mực nước trước sự biến đổi của các nhân tố, giúp dự đoán được mực nước ở những khu vực lân cận chưa có công trình quan trắc mực nước. Tuy nhiên khi áp dụng dự báo trong tương lai thì cần phải dự báo được sự biến đổi của các nhân tố ảnh hưởng theo các kịch bản.
+) Phương pháp Buxinet Maie có ưu điểm chỉ cần chuỗi số liệu của ngắn của một năm quan trắc có thể áp dụng để dự báo được mực nước hạ thấp vào mùa kiệt sự hạ thấp mực nước chỉ gây ra do trọng lực (hạ thấp trong mùa khô) mà không chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác. Do đó có thể dung số liệu của năm trước dự báo mực nước mùa kiệt năm sau nhưng có nhược điểm là không dự báo được mực nước vào mùa mưa, hay sự biến động của mực nước do các nhân tốc khác gây ra.
+) Phương pháp phân tích hàm xu thế và hàm điều hòa, đây là một trong những phương pháp nằm trong nhóm các phương pháp xác xuất thống ke. Phương pháp này sử dụng phương trình toán học để mô phỏng lại chuỗi số liệu quan trắc đã có và từ đó dự báo được cho tương lai bằng cách kéo dài chuỗi thời gian. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là chỉ áp dụng đối với những công trình quan trắc có chuỗi thời gian đủ dài để phát hiện được ra xu thế và dao động tuần hoàn có tính chu kỳ của chuỗi số liệu. Những công trình có chuỗi số liệu ngắn không thể áp dụng được.
Mỗi phương pháp dự báo có ưu và nhược điểm khác nhau, do đó người sử dụng cần phải nghiên cứu và lựa chọn phương pháp thích hợp. Tập thể tác giả đã biên soạn dự thảo “Hướng dẫn dự báo mực nước dưới đất” theo 3 phương pháp kể trên.
Cùng với đó, đề tài cũng đã xây dựng nội dung khung bản tin thông báo, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước dưới đất góp phần đẩy mạnh công tác thông báo tới các cấp quản lý, cũng như tới đông đải quần chúng nhân dân, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước dưới đất.
(Hải Lý)