NGHIÊN CỨU CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỂ BỔ SUNG, HOÀN THIỆN MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG TÂY NGUYÊN

Trên cơ sở tìm hiểu các công trình nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới về lý luận thiết kế mạng quan trắc Quốc gia tài nguyên nước dưới đất tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như tìm hiểu việc thiết kế mạng lưới quan trắc tài nguyên NDĐ đã được áp dụng cho các vùng khác nhau trên toàn cầu, đặc biệt là việc thiết kế mạng lưới quan trắc tài nguyên NDĐ vùng Tây Nguyên được áp dụng khi tiến hành xây dựng mạng đầu tiên giai đoạn 1990-1995 và được điều chỉnh vào các năm 1996, 2000, 2005, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên” gồm các nội dung nghiên cứu :

*  Khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng mạng quan trắc NDĐ vùng Tây Nguyên.

*  Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để  bổ sung, hoàn thiện mạng lưới công trình quan trắc tài nguyên NDĐ vùng Tây Nguyên

*  Đề xuất bổ sung, hoàn thiện mạng lưới công trình quan trắc tài nguyên NDĐ vùng Tây Nguyên.

Việc bổ sung, hoàn thiện mạng lưới quan tắc được thực hiện theo các nguyên tắc:

(1) Các lỗ khoan được bố trí thành các tuyến kéo dài từ đỉnh phân thủy quan sườn tới đới ven bờ (tương ứng với các khoảnh động thái khác nhau), số lượng và vị trí các lỗ khoan phụ thuộc vào điều kiện thực tế nhằm đảm bảo tính đặc trưng nhất;

(2) Các tuyến nghiên cứu quan hệ thủy lực giữa NM và NDĐ được bố trí kết hợp với các tuyến lỗ khoan. Tuyến quan hệ thủy lực bao gồm 3 lỗ khoan bố trí tại đới ven bờ và một trạm quan trắc NM;

(3) Các cụm lỗ khoan được bố trí vào những nơi có các TCN khác nhau trên mặt cắt đã được phát hiện;

(4) Các sân CB được thiết kế nghiên cứu cân bằng tại các TCN quan trọng và nằm trong vùng ưu tiên quan trắc;

(5) Các lỗ khoan “đan dày” vào các hệ thống tuyến đã xác định ở trên tại những vị trí quan trọng chưa có lỗ khoan nghiên cứu (các khu tập trung dân cư, khu phát triển công nghiệp, khu khai thác nước, khai thác khoáng sản…) nhằm kiểm soát biến động của tài nguyên nước.

(6) Lỗ khoan nghiên cứu đa mục đích, tập trung vào các đối tượng chứa nước có ý nghĩa về kinh tế – dân sinh.

Sau khi nghiên cứu đánh giá các cơ sở khoa học và thực tế, áp dụng các nguyên tắc bổ sung, hoàn thiện đã đề ra , đề tài đã đề xuất bổ sung vào mạng quan trắc hiện hữu: 47lỗ khoan +2 công trình quan trắc nước mặt. Cụ thể là 18 lỗ khoan và 2 trạm quan trắc nước mặt cho mạng lưới quan trắc trong các TCN trên cùng; 14 lỗ khoan trong các cụm lỗ khoan; 15 lỗ khoan cho vùng khai thác nước tập trung.

Với việc bổ sung các công trình nêu trên vào mạng lưới công trình hiện hữu, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên sẽ đảm bảo đạt mục tiêu nghiên cứu đề ra đó là nghiên cứu cơ bản về động thái và kiểm soát tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên.

(Hải Lý)