Nước về trên đảo Lý Sơn (Phần 2)

LTS: Năm 2016 vừa qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã thực hiện hoàn thành Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Dự án được triển khai thực hiện ở 5 đảo: Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang), Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau), Thanh Lân và Trà Bản (tỉnh Quảng Ninh). Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy 3 đảo: Lý Sơn, Thanh Lân và Trà Bản có tiềm năng nước dưới đất lớn có khả năng đáp ứng các nhu cầu nước trên đảo, đáng kể nhất là Lý Sơn, một hòn đảo nhỏ về diện tích nhưng có tiềm năng nước dưới đất lớn hơn cả.

Tiềm năng nước dưới đất

Phương pháp cân bằng , trong điều kiện lượng mưa cung cấp hoàn toàn cho nước dưới đất, đại lượng cung cấp cho nước dưới đất sẽ bằng lượng mưa trừ lượng bốc hơi. Để phù hợp với các mục đích sử dụng nước khác nhau, cần tính toán sự biến đổi của lượng mưa theo các tần suất đảm bảo khác nhau. Tổng hợp tài liệu quan trắc mưa 10 năm ở đảo Lý Sơn (từ 2005 đến 2015) có thể tính được các đặc trưng như sau: Lượng mưa trung bình năm 2.285,8 mm; Hệ số biến thiên (Cv): 0,21; Hệ số bất đối sứng ( Cs): 0,38. Lượng mưa năm với các tần suất khác nhau thể hiện ở hình sau đây.

DAN8

Để phù hợp với mục đích cung cấp nước, lượng mưa được tính với tần suất đảm bảo 95%, theo đó W95% xác định được là 1551,4mm. Lượng bốc hơi trung bình nhiều năm là 964 mm. Đại lượng cung cấp với tần suất đảm bảo 95% cho nước dưới đất xác định được là: 1551,4 – 964 = 587,4 mm

Trữ lượng động tự nhiên nước dưới đất theo 2 phương pháp có kết quả xấp xỉ nhau. Tuy nhiên, phương pháp Binđeman chỉ cho kết quả của năm thực tế quan trắc, phương pháp cân bằng được tính toán theo thời gian quan trắc dài với tần suất đảm bảo cần thiết nên được lựa chọn sử dụng. Do đó, trữ lượng khai thác tiềm năng tầng chứa nước βq với diện tích phân bố 7,5 km2 được tính với 2 thành phần là trữ lượng tĩnh trọng lực và trữ lượng động tự nhiên có kết quả là:

12.085 + 0,5(18.453.000/10.000) = 13.007 m3/ng

Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất là lưu lượng ổn định có thể khai thác ở một tầng chứa nước xác định bằng cách tính toán theo các công trình khai thác được bố trí hợp lý về mặt kinh tế-kỹ thuật trong một thời gian nhất định mà không làm thay đổi chất lượng, không làm cạn kiệt tầng chứa nước và tác động không đáng kể đến môi trường. Theo kinh nghiệm thực tế ở nước ta, trữ lượng có thể khai thác thường bằng khoảng từ 20 đến 60% trữ lượng khai thác tiềm năng. Đối với vùng đảo Lý Sơn lấy bằng 40%. Như vậy trữ lượng có thể khai thác là 13.007 x 40% = 5.203 m3/ng.

Trữ lượng khai thác nước dưới đất là lưu lượng ổn định có thể khai thác ở một tầng chứa nước được xác định nhờ các công trình tìm kiếm, thăm dò… bằng các công trình khai thác bố trí hợp lý về mặt kinh tế-kỹ thuật trong một thời gian nhất định mà không làm thay đổi chất lượng, không làm cạn kiệt tầng chứa nước và tác động không đáng kể đến môi trường.

Dan10

Đảo Lý Sơn được điều tra, đánh giá nước dưới đất bởi 3 công trình thực hiện vào các năm 1998, 2014 và 2016 đều vào tầng chứa nước βq. Việc xếp cấp trữ lượng được thống nhất sử dụng kết quả lỗ khoan bơm nước thí nghiệm có lưu lượng đạt từ >0,5 l/s trở lên, có thời gian bơm vào mùa khô và đạt đến ồn định; chất lượng nước đạt QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Tổng lưu lượng thực bơm ổn định ở 12 lỗ khoan là 3.530 m3/ng, được xếp trữ lượng khai thác cấp C1.

Định hướng khai thác sử dụng nước dưới đất

Ở đảo Lý Sơn, nước dưới đất là nguồn nước chính được khai thác sử dụng cho ăn uống, tưới và các mục đích khác. Theo tài liệu điều tra của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, trên đảo có 94 giếng đào và giếng khoan đang khai thác với tổng lượng nước khoảng 1.570m3/ngày, trong đó cả nước lợ cũng được khai thác để tưới. Các giếng khai thác để tưới thường có công suất 10 – 50 m3/ngày, thậm chí 200 – 300 m3/ngày. Việc khai thác nước dưới đất ở vùng địa hình thấp, ven biển đang làm cho nước dưới đất bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn (vi sinh và các hợp chất nito) với diện tích khá rộng và tốc độ phát triển nhanh. Hình thức khai thác nước dưới đất ở đây là đơn lẻ, phân tán và tự phát. Tình trạng này cần nhanh chóng chấm dứt. Chấm dứt ngay tình trạng mỗi nhà 01 giếng và chuyển sang hình thức xây dựng các công trình cấp nước tập trung do 1 tổ chức có chuyên môn quản lý. Điều kiện địa chất thủy văn ở đây cho phép xây dựng được các công trình khai thác nước công suất nhỏ, khoảng từ 200 đến 1000 m3/ng phục vụ cho tất cả các nhu cầu cấp nước trên đảo trên cơ sở điều tra, đánh giá nước dưới đất. Chỉ có như vậy mới có thể quản lý và bảo vệ tầng chứa nước khỏi bị nhiễm bẩn, nhiễm mặn và cạn kiệt.

Người viết bài này hy vọng, đảo Lý Sơn rồi đây sẽ không còn lo hạn hán, bà con trên đảo không còn lo thiếu nước sinh hoạt. Tỏi của Lý sơn sẽ bội thu với chất lượng cao vì được tưới bằng nguồn nước dưới đất, xứng với thương hiệu mà thiên nhiên ban tặng./.

(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)