Một số kết quả của dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam

Hiện nay, đất nước ta đang phát triển nhanh chóng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự gia tăng dân số, cùng với quá trình đô thị hóa đã tạo nên sự đan xen giữa các khu vực tập trung dân cư, các quần thể dân cư với các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp mà quá trình hoạt động phải thường xuyên sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm các chất độc hại hoặc xả ra các chất độc hại có các độc tố gây ô nhiễm nguồn nước như kim loại nặng, dioxin, DDT, v.v: Công nghiệp hóa chất, giấy, thuộc da, dệt nhuộm, đóng tàu, các bãi rác, nghĩa địa. Những hiện trạng nêu trên đã, đang hàng ngày gây ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của dân cư khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Trong vài năm gần đây đã có hơn 75 bài báo viết về những vị trí trên các vùng miền cả nước đã xuất hiện tình trạng hàng loạt người sinh sống trong một khu vực bị tử vong do căn bệnh ung thư, hiện tượng này đã được các phương tiện thông tin đại chúng gọi là “làng ung thư”. Dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam đã được thực hiện và đạt được một số kết quả:
Đã điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu tại các vùng có 37 “làng ung thư” thuộc 22 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Long An, Bạc Liêu và Cà Mau), với tổng diện tích khảo sát 3577,73 km2. Kết quả điều tra, khảo sát các vùng tại 37 “làng ung thư” đã thu thập được các tài liệu cơ bản: Đo vẽ, khảo sát 545 điểm nước mặt; 4981 điểm nước dưới đất và 51 điểm xả thải; trong đó 2785 điểm công trình giếng đào và lỗ khoan đang khai thác nước cho sinh hoạt tại các gia đình, đặc biệt có 189 giếng đào và lỗ khoan đang khai thác nước cho ăn uống sinh hoạt tại 189 gia đình trong số nhiều gia đình có người chết vì ung thư. Khảo sát thu thập số liệu khai thác sử dụng TNN và xác lập 4694 phiếu điều tra tài nguyên nước mặt và nước dưới đất.                                                           
Đã thu thập, tổng hợp theo tài liệu thống kê tại các trạm Y tế các xã cho thấy trong khoảng thời gian từ 5 – 20 năm gần đây đã có 1136 người chết vì ung thư trong các xã có 37 “làng ung thư”, ngoài ra còn có 380 người chết vì ung thư của các xã lân cận với các xã có 37 “làng ung thư”; trong đó “làng Thạch Khê”, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chết nhiều nhất 139 người, “làng Thôn 3-4”, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam chết ít nhất 6 người. Gia đình có nhiều người bị bệnh ung thư nhất là một gia đình ở “làng Cờ Đỏ” xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có 5 người bị ung thư mà đã chết 3 người; có 7 gia đình có 2 người chết vì ung thư. Phổ biến nhất là ung thư gan với 250 người chiếm 22%; ung thư phổi 142 người chiếm 12,5%; ung thư dạ dày 115 người chiếm 11% và ung thư vòm họng 44 người chiếm 3,9%, số còn lại là nhiều loại ung thư khác nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ. 
Đã lấy và phân tích 814 mẫu nước (có 355 mẫu nước mặt và 459 mẫu nước dưới đất), trong đó 222 mẫu nước toàn diện, 222 mẫu nước vi lượng, 222 mẫu nước nhiễm bẩn và 148 mẫu nước vi sinh. Đánh giá chất lượng nguồn nước mặt và nước dưới đất cho ăn uống sinh hoạt theo QCVN 08:2008/BTNMT, QCVN 09:2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và QCVN01:2009/BTY cho thấy: hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh vượt TCCP; hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn vượt TCCP; hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắt vượt TCCP.  Đối với các kết quả phân tích toàn diện và vi lượng thì có 50 mẫu có Nhôm, Cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt TCCP, số mẫu có các chỉ tiêu vi lượng cao hơn TCCP tập trung ở các “làng ung thư”: Thạch Khê, Khu 8-11, Đồng Mai, Thống Nhất, Yên Lão, Yên Phong, Kim Thành, An Lộc, An Thổ, Xuyên Tây, Đại An, Phước Thiện, An Hòa, Nhơn Lộc 2, Xuân Vinh, Sơn Nghiệp, Văn Đăng, Đăk Mar, Thôn 4, Trung Hiệp, Nhơn Hậu 1 và Kênh Tư Gà.                                                            
Đã chỉnh lí, tổng hợp tài liệu thành lập 37 bản đồ tài liệu thực tế TNN; 37 bản đồ điểm nghiên cứu TNN và 37 bản đồ TNN trên địa bàn các vùng điều tra tại 37 “làng ung thư”; Đã đánh giá chất lượng và trữ lượng các nguồn nước mặt và nước dưới đất tại các vùng, khu vực có các “làng ung thư”, làm cơ sở tiền đề nguồn nước cho đề xuất các vùng cần cấp nước hợp vệ sinh cho ăn uống sinh hoạt tại 10 “làng ung thư”có nguồn nước đang sử dụng cho ăn uống sinh hoạt bị ô nhiễm. Viết 37 bản thuyết minh báo cáo kết quả điều tra tại các vùng thuộc 37 “làng ung thư” làng; Viết thuyết minh báo cáo tổng hợp kết quả điều tra tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh cho 37 “làng ung thư” của Việt Nam và 7 phụ lục kèm theo báo cáo.
Trên cơ sở hiện trạng chất lượng các nguồn nước đang sử dụng cho ăn uống, sinh tại các “làng ung thư”, từ kết quả phân tích các loại mẫu nước: toàn diện, vi lượng, vi sinh và nhiễm bẩn và tiền đề trữ lượng và chất lượng nguồn nước mặt và nước dưới đất tại vùng điều tra có 37 “làng ung thư” và lân cận. Đã xác định 10 “làng ung thư” cần thiết phải điều tra cấp nước hợp vệ sinh phục vụ ăn uống sinh hoạt gồm:
(1). “Làng Thống Nhất”, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội;
(2). “Làng Lũng Vỵ”, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội;
(3). “Làng Mẫn Xá”, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh;
(4). “Làng Thổ Vỵ”, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa;
(5). “Làng Yên Lão”, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam;
(6). “Làng Cờ Đỏ”, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An;
(7). “Làng An Lộc”, xã An Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh;
(8). “Làng Phước Thiện”, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi;
(9). “Làng Xuân Vinh”, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định;
(10). “Làng Mê Pu”, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận;
Hầu hết các nguồn nước mặt ở các vùng điều tra có các “làng ung thư” là rất nghèo, hoặc không có, nếu có thì bị nhiễm bẩn, nên tất cả 10 “làng ung thư” dự kiến sử dụng nguồn nước dưới đất để giải quyết nhu cầu cấp nước cho ăn uống sinh hoạt.