Kết quả thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng thủ đô Hà Nội” là tài liệu quan trọng phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước của vùng

quy_hoach_HNVùng thủ đô Hà Nội (gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình) có lịch sử phát triển lâu đời nhất ở nước ta (từ thời dựng nước), ngày càng có vai trò quan trọng đối với Bắc Bộ và cả nước.

Ngày 05 tháng 5 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng nhằm phát triển thủ đô Hà Nội có đủ chức năng, vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á; giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả vùng thủ đô Hà Nội; phát triển hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào thủ đô Hà Nội, trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vùng.

Để phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã gia tăng mạnh mẽ. Những dữ liệu từ hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường cho thấy, tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng ở các khu vực Hà Nội, Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… đã có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt dẫn đến mất cân bằng về lượng và tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước.

Ngoài ra, việc quản lý, điều tra, khai thác và sử dụng nguồn nước trong vùng còn bộc lộ một số vấn đề cần phải quan tâm:

Thứ nhất, tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước của vùng thủ đô Hà Nội còn rất hạn chế, thiếu thông tin, đặc biệt là tài liệu địa chất, địa chất thuỷ văn và thủy văn số liệu tản mát lạc hậu. Do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác lập quy hoạch và các vấn đề cần giải quyết liên quan đến tài nguyên nước.

Thứ hai, Hà Nội trong giai đoạn lập quy hoạch tổng thể phát triển đô thị. Vì vậy thông tin, số liệu đầy đủ, khách quan, chi tiết về tài nguyên nước như sự phân bố, trữ lượng, chất lượng nguồn nước, hiện trạng khai thác, xả thải vào nguồn nước, những tác động tiêu cực do nước gây ra cho vùng là rất cần thiết; làm cơ sở phục vụ quy hoạch tài nguyên nước nói riêng, quy hoạch vùng thủ đô nói chung.

Thứ ba, các công trình khai thác nước chưa bố trí hợp lý, tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố Hà Nội, Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Hưng Yên, thành phố Bắc Ninh…

Thứ tư, tình trạng khai thác nguồn nước dưới đất quá lớn, dẫn đến mực nước dưới đất hạ thấp gây ra hiện tượng lún nền đất, nhiễm bẩn, nhiễm mặn nước dưới đất ở một số khu vực, đặc biệt là vùng nam Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam…

Thứ năm, nước các sông trong vùng (nguồn bổ cập chủ yếu cho nước dưới đất) đang tiếp nhận một lượng lớn nước thải sản xuất, sinh hoạt chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải vào nguồn nước.

Thứ sáu, việc khai thác nước mặt, nước dưới đất ồ ạt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong khi chưa biết rõ được sự phân bố, tiềm năng, chưa luận chứng được tính bền vững, khả năng đáp ứng của nguồn nước dẫn đến tình trạng lưu lượng, mực nước, chất lượng nước bị suy giảm. Vùng thủ đô Hà Nội cần thiết phải điều tra, đánh giá, tính toán để đưa ra các phương án khai thác, bảo vệ nguồn nước một cách tối ưu.

Chính vì vậy, việc xây dựng Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước vùng thủ đô Hà Nội” rất cần thiết, hữu ích, nhằm phục vụ việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Kết quả thực hiện của dự án sẽ là tài liệu quan trọng, phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước của vùng.

(Hồng Nhung – VP NAWAPI

Nguồn: Chủ nhiệm dự án)