Kết quả đề tài:”Nghiên cứu xây dựng các phương pháp dự báo tài nguyên nước dưới đất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ”

Sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp,.. được mở rộng và phát triển, hạ thấp mực nước dưới đất ngày một tăng ở các khu đô thị, khu công nghiệp. Công tác quản lý tài nguyên nước đòi hỏi công tác dự báo có tính cập nhật, thường xuyên, độ chính xác cao hơn. Xuất phát từ thực tế đó, công tác dự báo tài nguyên nước dưới đất cần được đầu tư để chuyển hóa thông tin đến các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu xây dựng các phương pháp dự báo tài nguyên nước dưới đất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là một việc làm thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Để phục vụ công tác dự báo tài nguyên nước dưới đất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước đã thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu xây dựng các phương pháp dự báo tài nguyên nước dưới đất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ”. Một số kết quả đề tài:
Đề tài đã nêu và phân tích về tổng quan các phương pháp dự báo ở trên thế giới và ở Việt Nam. Trong đó phương pháp xác suất thống kê và phương pháp mô hình được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất.
Đã phân tích rõ những điều kiện hình thành và các nhân tố ảnh hưởng đến nước dưới đất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều kiện hình thành như: Địa hình, địa mạo, địa chất, địa chất thuỷ văn… Nhân tố ảnh hưởng gồm các nhóm khí tượng – thuỷ văn, hải văn (thuỷ triều), của khai thác nước dưới đất…
Đề tài đã nghiên cứu và lựa chọn phương pháp dự báo tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng Bắc Bộ: dự báo ngắn hạn bằng phương pháp xác xuất thống kê tương quan đơn biến hoặc đa biến và dự báo trung hạn hoặc dài hạn bằng phương pháp mô hình.
Đã áp dụng phương pháp tương quan đơn biến và đa biến dự báo mực nước ngắn hạn 6 tháng đối với một công trình quan trắc nằm trong vùng khí tượng, thủy văn. Kết quả dự báo mực nước 6 tháng theo các nhân tố ảnh hưởng như khí tượng, thủy văn đối với một số điểm quan trắc tương đối chính xác. Tuy nhiên đối với việc áp dụng phương trình tương quan đối với các vùng bị phá hủy do khai thác nước không áp dụng được do số liệu về hiện trạng khai thác không đủ để lập mối tương quan. Do đó, cần phải áp dụng phương pháp mô hình để dự báo đối với khu vực bị phá hủy do khai thác nước.
Đã áp dụng phương pháp mô hình Dự báo mực nước dài hạn cho tỉnh Nam Định đến năm 2020 theo nhu cầu sử dụng nước của tỉnh. Với kịch bản 1 với nhu cầu sử dụng nước từ năm 2010 đến 2020 là 25891m3/ngày và kịch bản 2 với nhu cầu sử dụng nước từ năm 2010 đến 2020 là 32363m3/ngày. Kết quả dự báo theo kịch bản 1 thì độ sâu mực nước tại Q.109a là 14,43m thấp hơn so với mực nước thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012 là 2,98m. Kết quả dự báo theo kịch bản 2 thì độ sâu mực nước tạ Q.109a là 15,54m thấp hơn 4,09m so với mực nước thấp nhất 6 tháng đầu năm 2012.

18ht1

Dự báo được trữ lượng có thể khai thác được của tỉnh Nam Định với tiêu chí an toàn (tránh tác động tiêu cực xảy ra) mực nước hạ thấp cho phép (Hcp) là 50m. Kết quả cho thấy rằng nếu việc khai thác nước nếu chỉ tập trung vào khu vực như (Q.109a) thì chỉ đáp ứng được với lưu lượng khai thác Q=89.873m3/ngày. Còn nếu việc khai thác phân bổ rộng ở phương án 2 thì lưu lượng khai thác có thể đạt tới 261.203m3/ngày