Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ- Pha 3

Thực hiện Chỉ thị 200-TTg ngày 29 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về “Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, Pha 1 và Pha 2 của đề án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ” đã đạt được những kết quả vô cùng có ý nghĩa trong việc mang đến cho nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh biên giới. Nhằm phát huy những kết quả đạt được ở pha 1 và pha 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam thi công đề án “Điều tra nguồn NDĐ vùng sâu Nam Bộ – Pha 3” để tiếp tục điều tra nguồn NDĐ, xác định khu vực và tầng chứa nước có triển vọng để đưa vào khai thác cấp nước ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội đang sinh sống và làm việc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

1

Với mục tiêu điều tra điều kiện địa chất thủy văn nguồn NDĐ, xác định khu vực có triển vọng nhằm tiếp tục đánh giá, thăm dò NDĐ phục vụ nhu cầu dân sinh, đề án được triển khai thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Hoàn thành việc thi công 30 lỗ khoan điều tra nguồn NDĐ và các dạng công tác kỹ thuật kèm theo tại 30 vùng điều tra. Trong đó, tại 29 vùng đã xác định được vị trí và tầng chứa nước có triển vọng; đã kết cấu và thí nghiệm thành công 29 giếng khoan khai thác và sau đó đã bàn giao cho chính quyền địa phương và các đơn vị bộ đội (các đồn biên phòng) đưa vào khai thác sử dụng với tổng lưu lượng 15.370m3/ngày, tương ứng với khả năng phục vụ cho 256.162 người. Kết quả này đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt về nước sạch cho nhân dân và bộ đội tại 29 vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 23 huyện của 8 tỉnh Nam Bộ.

21

Tại mỗi vùng điều tra đã phân chia chi tiết ranh giới địa chất, địa tầng ĐCTV theo kết quả nghiên cứu địa chất mới nhất; xác định bề dày và vị trí của các tầng chứa nước lỗ hổng, bề dày của các trầm tích bở rời và các đới phong hóa, nứt nẻ trong đá cứng có triển vọng chứa nước, ranh giới nước nhạt, nước mặn theo diện và theo chiều sâu tại các vùng điều tra, cũng như sự biến đổi đặc điểm thủy hoá của các tầng chứa nước. Thành lập 30 sơ đồ ĐCTV tỷ lệ 1:25.000 và các mặt cắt ĐCTV kèm theo của các vùng điều tra, làm cơ sở cho sự đánh giá đúng đắn về đặc điểm ĐCTV và tiềm năng NDĐ tại các vùng điều tra này. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quí giá đối với công tác điều tra cơ bản ĐCTV ở vùng Nam Bộ. Phát hiện được nước nhạt có trong tầng chứa nước qp2-3 tại vùng Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Đồng Tháp (LK S320); trong tầng chứa nước n22 tại vùng Mỹ Thạnh Tây, Đức Huệ, vùng Thủy Tây, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An (tại LK S319 và S321); trong tầng chứa nước n21 tại vùng thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, vùng Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tại LK S326, S328 và vùng Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang (tại LK S323), nơi mà các nghiên cứu trước đây cho là không có nước nhạt. Mặt khác, cũng cho thấy tại vùng xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (LK S327) tất cả các tầng chứa nước (6 tầng) đều bị mặn hoàn toàn; vùng xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang (LK S334) chỉ có duy nhất tầng chứa nước qp3 là có nước nhạt. Những phát hiện mới này đã làm chính xác hóa ranh giới nước mặn – nhạt của các tầng chứa nước nêu trên ở các công trình nghiên cứu trước đây. Tính được trữ lượng khai thác tiềm năng (C2) của các vùng là 141.934m3/ngày, trữ lượng cấp C1 là 15.370m3/ngày.

Các kết quả tính toán cho thấy trữ lượng khai thác tiềm năng của các lỗ khoan trong các vùng điều tra khá lớn, những phát hiện này là cơ sở quan trọng phục vụ thiết thực cho việc mở rộng quy mô khai thác sử dụng nước dưới đất./.

(Thanh Loan- NAWAPI. Nguồn: Chủ nhiệm đề án)