Như ta đã biết, một trong những yếu tố rất quan trọng cho bất kỳ sự phát triển kinh tế – xã hội mà chúng ta phải nhắc tới đó là nguồn nước. Thành phố Hà Nội là trung tâm văn hóa – chính trị – kinh tế của cả nước, trong những năm qua có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ cả về kinh tế và xã hội.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng của thành phố Hà Nội đến năm 2030 là 1.939.000m3/ngày đêm và đến năm 2050 là 2.576.000m3/ngày đêm. Bên cạnh việc sử dụng nguồn nước mặt từ sông Đà thì nước dưới đất là một đối tượng hết sức quan trọng phục vục nhu cầu phát triển của thành phố Hà Nội trong hiện tại và tương lai. Để đáp ứng được nhu cầu trên thì việc lập quy hoạch sử dụng nước hợp lý, bền vững là một việc làm hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Trong cuộc sống chúng ta luôn có quan hệ “cung – cầu”. Trên thực tế ở đây, “cung” là tổng lượng nước thực tế tồn tại, là cách thức khai thác, vận hành cho “cầu” là tổng lượng nước cần thiết phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Để trả lời cho mối quan hệ trên, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mang mã số: TNMT.02.23 “Nghiên cứu mối quan hệ giữa nước sông và nước dưới đất, đề xuất hệ phương pháp xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất vùng ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên”. Các kết quả nghiên cứu từ đề tài này có thể sẽ là những cơ sở quan trọng cho việc lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố Hà Nội trong tương lai.
Một trong những nội dung quan trọng của đề tài đã nêu ra hệ phương pháp tính toán trữ lượng khai thác nước dưới đất trong các trầm tích ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên. Đề tài đã sử dụng tổ hợp mô hình thủy văn Mike 11 và ViusalModflow để xác định trữ lượng khai thác nước dưới đất trong trầm tích đệ tứ đới ven sông. Về bản chất, mô hình Mike 11 được sử dụng để xác định biên mực nước trên sông Hồng theo chuỗi thời gian từ năm 1995 đến 2013 với bước thời gian là ngày. Sau khi xác định được biên mực nước trên sông Hồng sẽ được cập nhật vào mô hình dòng chảy nước dưới đất Visual modflow để tính toán trữ lượng khai thác nước dưới đất trong trầm tích đệ tứ. Đây là một công trình đầu tiên nghiên cứu về các nguồn hình thành trữ lượng nước dưới đất vùng ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên, theo đó đã đánh giá được các thành phần trữ lượng tham gia vào trữ lượng nước dưới đất tại khu vực này.
Với các kết quả tính toán toán của mô hình đã xác định được trữ lượng khai thác nước dưới đất. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xây dựng được sơ đồ khai thác nước dưới đất ven sông Hồng khu vực nghiên cứu, theo đó trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất dọc hai bên bờ sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến Hưng Yên theo Phương án 1 là giữ nguyên hiện trạng các giếng khai thác nước hiện có và bổ sung thêm các giếng khai thác tối ưu thì có thể đạt tới 2.517.300m3/ngày đêm, trong đó bố trí các bãi giếng mới có thể đạt tới 1.964.000m3/ngày đêm. Theo phương án 2, sẽ điều chỉnh lưu lượng và vị trí các giếng khai thác nước hiện có và bổ sung thêm các giếng khai thác tối ưu thì có thể đạt tới 3.506.400m3/ngày đêm, trong đó công suất của các bãi giếng bổ sung mới và điều chỉnh vị trí, lưu lượng các nhà máy nước ra sát sông là 3.379.000m3/ngày đêm.
Trong ngành khoa học nước dưới đất, có rất nhiều phương pháp có thể xác định được trữ lượng có thể khai thác tại một khu vực được lựa chọn. Phương pháp mô hình số địa chất thủy văn là một phương pháp mới và hiện đại cũng được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu, đánh giá tài nguyên nước dưới đất. Việc ứng dụng mô hình cho những bài toán cụ thể tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực thành phố Hà Nội là một thành công lớn lao trong ngành khoa học về nước dưới đất. Các kết quả quả tính toán được đưa ra có xét đến tính thực tế ngoài hiện trường vậy nên có độ tin cậy rất cao. Đây là cũng là tiền đề cho việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào các nghiên cứu sau này nhằm đưa ra con số chính xác về trữ lượng nước dưới đất.
Với kết quả tính toán như đề tài đã đưa ra, đến năm 2030 và 2050 tổng lượng nước dưới đất hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nước của thủ đô Hà Nội đến năm 2030, 2050 và các các vùng lân cận (theo Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì tổng nhu cầu sử dụng nước trung bình đến năm 2030 là 1.939.000m3/ngày đêm và đến năm 2050 là 2.576.000m3/ngày đêm)./.