Hậu quả của biến đổi khí hậu tới nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Theo thống kê về hiện trạng khai thác và sử dụng nước của các tỉnh trên cả nước đến tháng 7 năm 2016 cho thấy, hiện tượng thiếu nước bắt gặp ở nhiều nơi, trong đó các tỉnh miền trung gặp nhiều khó khăn nhất.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, hiện tượng thiếu nước luôn xảy ra vào các tháng mùa khô một số huyện của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu hết tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một số huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đối với vùng Nam Trung Bộ, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận triền miên thiếu nước vào các tháng 5, 6, 7 hàng năm. Ở Tây Nguyên, hiện tượng thiếu nước do hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, trong đó nặng nhất là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk

Năm 2015 và 2016, do khô hạn kéo dài ở Ninh Thuận dẫn đến tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm ở các xã Xuân Hải, Tri Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải thuộc Huyện Ninh Hải; xã Phước Hữu, Huyện Ninh Phước; các xã Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới, Lâm Sơn, Nhơn Sơn và Quảng Sơn của Huyện Ninh Sơn; các xã Lợi Hải, Công Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn, Phước Kháng và Phước Chiến của Huyện Thuận Bắc và toàn bộ hai huyện Bác Ái, huyện Thuận Nam.

Theo tổng hợp, tỉnh Ninh Thuận có khoảng 20 hồ chứa nước, lượng nước tích tại 20 hồ chứa này vào tháng 3/2016 có lúc chỉ còn 53,5/192,21 triệu mét khối, đạt 27,83% dung tích thiết kế. Các hồ chứa khác như hồ Ông Kinh, Tà Ranh đã cạn kiệt nước vào tháng 1/2016; một số hồ có nước đến hết tháng 2 và cạn kiệt nước vào tháng 3 như hồ Tân Giang, Bầu Zôn, Thành Sơn, Sông Trâu…Năm 2016, hạn hán đã làm cho 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận bị giảm năng suất hoặc mất trắng, trong đó có 67 ha lúa, hàng nghìn héc-ta táo, nho bị ảnh hưởng trầm trọng… Tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước vào cuối tháng 3 một số hồ cạn trơ đáy, không còn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

DL68

Tỉnh Bình Thuận vào tháng 2 năm 2016, nguồn nước tại các hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 48% dung tích thiết kế, hai hồ thủy điện chỉ còn 50% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 145 triệu m3 nước. Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc… Đời sống của nhân dân tại các vùng hạn gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Đức Linh, Tánh Linh hàng trăm ha ruộng khô cằn. Trong các tháng mùa khô nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước Thắng Mỹ luôn cạn kiệt, nhà máy phải ngưng hoạt động cung cấp nước sinh hoạt từ đầu tháng 3, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương. Theo báo cáo thường niên của tỉnh Bình Thuận thì vụ Đông Xuân 2015-2016 phải cắt giảm gần 15.000 ha (31%) diện tích canh tác của toàn tỉnh do thiếu nước.

Tại Gia Lai vào mùa khô các năm gần đây, hầu hết các hồ đập trên địa bàn tỉnh cạn kiệt khiến cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Từ tháng 10 đến cuối tháng 3 hàng năm dù chính quyền địa phương luôn nỗ lực bơm tưới nước cho cây, nhưng các xã trong tỉnh còn nhiều nơi thiếu nước. Thực tế cho thấy kể cả các xã dọc sông Ba vẫn thiếu nước ở nhiều tháng trong năm. Nhiều diện tích trồng cây cà phê không đủ nước tưới dẫn đến cây bị khô héo mà người dân thì không thể cứu vãn được tài sản của mình do không có nguồn nước dự trữ.

Bên cạnh sự gia tăng hạn hán ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trong các năm qua thì nơi đây còn phải đối mặt với thách thức không nhỏ đó là hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện và lan rộng ở nhiều nơi. Xâm nhập mặn không những làm khan hiếm nguồn nước ngọt mà còn làm giảm diện tích đất canh tác, sản xuất nông, ngư nghiệp. Hiện tượng xâm nhập mặn được đánh giá chủ yếu do suy giảm dòng chảy từ các sông ra biển. Nguyên nhân đến từ cả thiên nhiên và các hoạt động của con người. Theo thống kê thì hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra mạnh cho cả nước mặt và nước dưới đất ở các tỉnh Bỉnh Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong đó các sông và vùng nước dưới đất bị ảnh hưởng lớn bởi xâm nhập mặn gồm khu vực Sông Cái ở Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, sông Lũy ở Bình Thuận và sông Vu Gia Thu Bồn ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Đứng trước các thách thức về nguồn nước, để giảm bớt các khó khăn cho các tỉnh Nam Trung Bộ, trong nhiều năm gần đây Chính phủ đã giành nhiều ưu tiên cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ cơ chế chính sách đến nguồn vốn để xây dựng nhiều chương trình tìm kiếm nguồn nước, giữ nước và cấp nước cho các địa phương vùng này. Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn nước mới, trữ nước thì việc đảm bảo khai thác nước bền vững cũng được xác định quan trọng không kém./.

(Mai Phú Lực)