Giải tỏa cơn khát nước sinh hoạt cho vùng cao biên giới Mèo Vạc – Hà Giang

Thị trấn Mèo Vạc là một thị trấn vùng cao biên giới, là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa – xã hội của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nằm trên cao nguyên đá vôi Đồng Văn – Mèo Vạc, có độ cao lớn hơn 850m so với mực nước biển. Nơi đây có mạng xâm thực địa phương chênh cao lớn, bề mặt thung lũng cách mực nước sông khoảng 500m, do đó đây là một vùng rất khan hiếm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là về mùa khô hạn. Nhân dân trong vùng ở khu vực thị trấn sử dụng nước từ các điểm lộ ở bản Sảng Pạ B và Tả Đú, hang ngầm Tả Đú cách thị trấn 1,5 – 3km. Về mùa khô, các điểm lộ còn ít nước nên tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra thường xuyên, dân phải mua nước từ các điểm lộ phía sông Nho Quế chở về. Ngoài ra, một số dân còn sử dụng nước từ các hồ treo (Tả Lủng, Tả Đú, Pả Vi, Giàng Chú Phìn). Tuy nhiên nước hồ treo không đảm bảo vệ sinh nên chỉ sử dụng cho một số hộ dân nghèo không có điều kiện mua nước. Dân ở các bản thuộc núi đá cao, xa các nguồn lộ nước phần lớn dự trữ nước mưa bằng các bể, lu chứa nước do Chương trình 135 tài trợ. Các nguồn nước nêu trên đều sử dụng trực tiếp không qua xử lý, về mùa khô đều cạn kiệt.

Theo công văn số 1758/BTNMT-KH ngày 19 tháng 5 năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xây dựng đề án:” Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang“, sau đó Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chuyển giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước thực hiện theo Công văn số 995/ĐCKS-ĐC ngày 26/5/2008. Đề án đã được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước phê duyệt tại Quyết định số 87/QĐ- QHĐTTNN ngày 6 tháng 11 năm 2008.

Vùng nghiên cứu bao gồm thị trấn Mèo Vạc và các xã Pả Vi, Tả Lủng, Giàng Chu Phìn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, diện tích 130 km2.

DL76

Đề án đã tiến hành khoan 7 lỗ khoan trong vùng nghiên cứu, trong đó có 2 lỗ khoan không có nước. Các kết quả đạt được của Đề án:

+ Tổng lưu lượng khai thác của các lỗ khoan là 1.115 m3/ngày, trữ lượng khai thác dự báo xác định là 1.448 m3/ngày.

+ Phân cấp trữ lượng khai thác: Trữ lượng khai thác cấp C1 xác định được là 1.446 m3/ngày, trữ lượng cấp C2 là 334 m3/ngày, tổng trữ lượng khai thác cấp C1, C2 là 1.780 m3/ngày.

+ Đánh giá được trữ lượng động tự nhiên cho toàn vùng nghiên cứu là 100.688 m3/ngày.

+ Tổng trữ lượng khai thác từ các lỗ khoan và điểm lộ là 1.553 m3/ngày, tổng nhu cầu khai thác sử dụng nước trong vùng đến năm 2020 là 1.187 m3/ngày, năm 2030 là 1.543 m3/ngày.

Như vậy nước dưới đất hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong vùng đến năm 2030.

(Phạm Thu)