Diễn biến tài nguyên nước mặt tại trạm quan trắc thủy văn kon tum chịu ảnh hưởng của hồ thủy điện Ia Ly

Nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh nhân loại, là yếu tố sống còn cho tất cả các loại hình của sự sống trên hành tinh. Sự gia tăng của dân số, phát triển kinh tế xã hội là những nguyên chính, làm cho nhu cầu nước ngày càng tăng lên. Trong những năm gần đây, hàng loạt các hồ chứa thủy điện đã và đang được xây dựng trên thượng lưu các hệ thống sông khắp mọi vùng trong cả nước, các hồ chứa thường được thiết kế để đảm nhiệm nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có 3 mục tiêu chính là phát điện, cấp nước và chống lũ. Tuy nhiên, các mục tiêu này thường mâu thuẫn với nhau trong vấn đề sử dụng. Yêu cầu cấp nước nhiều cho các ngành nghề, sinh hoạt hoặc tưới tiêu sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện, dung tích nhỏ sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện và khả năng tích nước của hồ để phục vụ cấp nước và sản xuất điện trong mùa khô phụ thuộc vào dung tích thiết kế của hồ. Để giải quyết các mâu thuẫn kể trên là một nhu cầu mới đặt ra, điều hành hồ chứa phục vụ cho các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế.

 Hồ thủy điện Ia Ly nằm trên hệ thống sông Sê San có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc tỉnh Gia Lai và Nam tỉnh Kon Tum. Vì vậy, việc đánh giá tác động của các hồ đập làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước phục vụ cho quy hoạch và quản lý nguồn nước bền vững là hết sức cần thiết cho lưu vực sông Sê San.

Sông Sê San là một trong 4 con sông lớn ở Tây Nguyên, là một trong các nhánh lớn của lưu vực hạ du sông Mê Kông. Sông Sê San được bắt nguồn từ vùng núi cao Ngọc Linh, phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, chảy sang Campuchia và sau nhập hạ lưu với các sông Srêpôk và Sê Kông, sau đó đổ vào sông Mê Kông ở Strung Treng. Trên lãnh thổ Việt Nam, lưu vực sông Sê San nằm trên 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai với chiều dài 230 km, diện tích lưu vực là 11.620 km2

b11_1

Sơ đồ hệ thống lưu vực sông Sê San

Mạng lưới sông của lưu vực sông Sê San được hình thành bởi hệ thống sông suối tương đối phát triển với hai nhánh chính của nó là Đăk Bla và Krông Pôkô. Mật độ lưới sông trên lưu vực là 0,48 đến 0,55 km/km2

Công trình thủy điện Ia Ly nằm trên sông Sê San, thuộc địa phận hành chính của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đây là công trình trọng điểm quốc gia lớn thứ 2 sau thủy điện Hòa Bình. Hồ chứa Ia Ly được hoàn thành năm 2002, với loại hình công trình: Kết hợp hồ chứa, đập dâng, đập tràn, đường hầm dẫn nước, nhà máy và kênh xả, …là loại công trình cấp I, công suất của nhà máy là 720MW.

b12_2

Một số hình ảnh thu được trong quá trình khảo sát trạm thủy văn Kon Tum 

Những ảnh hưởng của công trình thủy điện Ia Ly:

– Ảnh hưởng đến vùng bán ngập lòng hồ: Khi hồ chứa Ia Ly tích nước từ cao trình 512 m trở lên, thì đất sản xuất thuộc các bãi bồi ven sông của một số làng thuộc xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum bị ngập từ tháng 11 đến giữa tháng 2. Thời gian còn lại đất không bị ngập có thể sản xuất 1 – 2 vụ lúa hoặc trồng cây ngắn ngày.

– Những tác động đến các đối tượng khai thác sử dụng nước phía thượng lưu như: Nhà máy cấp nước sinh hoạt cho thành phố Kon Tum với công suất 17.000 m3/ngày cho khoảng 134.000 người dân. Cung cấp nước cho Nhà máy đường Kon Tum 12.960 m3/ngày. Và một trạm bơm nằm bên bờ sông ĐăkBla bơm nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

– Ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của sông ĐakBla: Do việc tích nước ở hồ chứa Ia Ly làm cho đường mực nước dọc theo sông ĐakBla nâng lên làm giảm độ dốc đường mặt nước, do đó khả năng thoát lũ của vùng hạ lưu sông ĐakBla giảm theo.

– Tác động đến môi trường: Tác động đến cảnh quan, tiểu vùng khí hậu, tác động đến hệ thực vật, tác động đến sự biến đổi của dòng chảy bùn cát và bồi láng lòng sông.

– Ảnh hưởng vùng hạ du: lưu lượng nước và những thay đổi về dòng chảy phụ thuộc nhiều về chế độ điều tiết hồ chứa Ia Ly.