Ở tỉnh Phú Thọ, tại một số khu vực thuộc huyện Thanh Ba: xã Đồng Xuân, Ninh Dân và thị trấn Thanh Ba đã liên tiếp xảy ra hiện tượng nứt sụt đất gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Vì vậy cần phải tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục các hiện tượng địa chất này. Năm 2011, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã thực hiện “Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng, điều kiện địa chất và cảnh báo tai biến địa chất vùng Ninh Dân và khu vực lân cận trên địa bàn huyện Thanh Ba”.


Theo kết quả nghiên cứu thấy rằng hiện tượng sụt đất liên quan mật thiết với các đặc điểm địa chất – thạch học:
+ Các hố sụt đất xảy ra khi tầng đá vôi lộ trên bề mặt địa hình hiện đại hoặc dưới lớp phủ mỏng của trầm tích Đệ tứ bở rời. Đây là bậc địa hình nằm trong mực dao động của nước ngầm hoặc nơi thu nước vào mùa mưa đã tạo điều kiện cho quá trình rửa lũa, hòa tan hình thành nên các hang động karst.
+ Nứt sụt đất xảy ra trong tập đá vôi bị nứt nẻ mạnh và dọc theo các đới đứt gãy, vì hoạt động của đứt gãy đã tạo nên các đới dăm kết, mặt trượt, vết xước và các khe nứt dọc theo hai bên cánh của đứt gãy theo quy luật nhất định đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xâm nhập và lưu thông của nước trên mặt cũng như nước ngầm vào sâu trong các tầng đất đá, thúc đẩy quá trình rửa lũa và karst hoá đối với khu vực có đá vôi phát triển. Sự xuất hiện của hàng loạt các hố, rãnh và hang động karst theo quy luật nhất định (theo phương của đứt gãy, hệ khe nứt chính) đã chứng minh cho mối quan hệ trên.
+ Nứt sụt đất xảy ra trong nhóm các thành tạo cacbonat, đây là yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các dạng địa hình karst trong đó các dạng hang động, phễu karst là nguyên nhân trực tiếp gây sụt đất.
+ Ngoài ra hiện tượng sụt đất còn có liên quan tới các hoạt động dân sinh như khai thác nước ngầm, khai thác đá làm biến đổi tính chất cơ lý đất đá hoặc làm biến đổi mực nước ngầm địa phương.
Kết quả nghiên cứu đã phân chia được 4 khu vực có mức độ sụt lún đất khác nhau:
+ Khu vực không thuận lợi (Khu vực có nguy cơ nứt, sụt đất cao): với diện tích 0,358 km2 gồm các khu 2, 3, 4, 5, 6 xã Ninh Dân.
+ Khu vực kém thuận lợi (Khu vực có nguy cơ nứt, sụt đất trung bình): chiếm diện tích 5,21 km2, trong đó xã Ninh Dân 3,291 km2, xã Đồng Xuân 0,342 km2, xã Yên Nội và Chí Tiên 1,517 km2, Thị trấn Thanh Ba 0,063 km2.
+ Khu vực thuận lợi (Khu vực có nguy cơ nứt, sụt đất yếu): diện tích là 6,505 km2, trong đó xã Ninh Dân 1,031 km2, xã Đồng Xuân 2,278 km2, xã Yên Nội và Chí Tiên là 1,920 km2, thị trấn Thanh Ba là 1,276 km2.
+ Khu vực ít có nguy cơ nứt, sụt đất: chiếm diện tích 18,03 km2, trong đó xã Ninh Dân 6,719 km2, xã Đồng Xuân 4,053 km2, xã Yên Nội và Chí Tiên 3,960 km2, thị trấn Thanh Ba là 3,563 km2.
Trên cơ sở khoanh định các khu vực có mức độ sụt lún khắc nhau cần có các giải pháp quy hoạch di dân, tái định cư, quy hoạch phát triển xây dựng và ổn định tình hình xã hội của địa phương.
(Phạm Thu)
|
|