ĐÁNH GIÁ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN

Vùng Đức Hoà, tỉnh Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và nằm tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh. Trong vùng đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ đang chiếm ưu thế trong nền kinh tế. Do lợi thế về địa lý và đất đai, vùng Đức Hoà đang đầu tư cơ sở hạ tầng cho nhiều khu công nghiệp để đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người dân vùng lũ thì việc điều tra nguồn NDĐ, phục vụ cấp nước cho sinh hoạt  của vùng là thực sự cấp thiết.

Theo đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện điều tra ĐCTV tỷ lệ 1:50.000 trên diện tích 1.014km2 vùng Đức Hòa, Long An nhằm xác định đặc điểm các TCN trong vùng; xác định và đánh giá trữ lượng, chất lượng các TCN có triển vọng cấp nước sinh hoạt.

Kết quả của đề án: Đã khái quát được những nét cơ bản về cấu trúc địa tầng các thành tạo từ Miocen thượng đến Holocen; xác định được chiều sâu, thế nằm, chiều dày, diện phân bố, nguồn gốc và môi trường thành tạo của các trầm tích cũng như thành phần đất đá của các TCN; xác định được diện phân bố nước nhạt, trữ lượng cũng như chất lượng NDĐ của vùng điều tra.

DL61

Kết quả thực hiện đề án đã có đầy đủ thông tin và cơ sở khoa học để tác giả đề xuất các phương hướng điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ  và khai thác sử dụng trong vùng như sau:

Tầng chứa nước Pleistocen trên:  

Huyện Đức Hoà có nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất lớn, thuộc phạm vi phân bố nước nhạt có chất lượng khá tốt. Để đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên NDĐ cần mở rộng điều tra, thăm dò khai thác nước nhạt trong tầng này ngoài diện tích đã thăm dò của vùng Đức Hoà 3, khoảng 180km2, chiều sâu 30 ÷ 50m. Trong vùng giàu nước đến trung bình, có thể thiết kế giếng khai thác ở qui mô công nghiệp với lưu lượng 1.500m3/ngày/giếng. 

Tầng chứa nước Pleistocen giữa – trên:  

Trước mắt cần điều tra, thăm dò khối nước nhạt ở trung tâm của vùng, diện tích 100km2, chiều sâu 100 ÷ 110m. Nước nhạt có chất lượng khá tốt, nằm trong vùng chứa nước trung bình, có thể thiết kế giếng khai thác ở qui mô công nghiệp với lưu lượng 500m3/ngày/giếng.

Tầng chứa nước Pleistocen dưới:

Trước mắt cần điều tra, thăm dò khối nước nhạt ở trung tâm của vùng, diện tích 100km2, chiều sâu 150 ÷ 160m. Nước nhạt có chất lượng khá tốt, nằm trong vùng giàu nước, có thể thiết kế giếng khai thác ở qui mô công nghiệp với lưu lượng 800m3/ngày/giếng.

Tầng chứa nước Pliocen giữa:  

Huyện Bến Lức, Thủ Thừa tập trung nhiều các KCN và cụm tuyến dân cư, nhu cầu sử dụng nước lớn. Trước mắt điều tra, thăm dò khai thác khối nước nhạt ở phía nam; diện tích 450km2, chiều sâu 200 ÷ 240m. Nước nhạt có chất lượng khá tốt, nằm trong vùng giàu nước, có thể thiết kế giếng khai thác ở qui mô công nghiệp với lưu lượng 900m3/ngày/giếng.

Tầng chứa nước Pliocen dưới:  

Huyện Bến Lức tập trung nhiều các KCN, huyện Thủ Thừa và Đức Huệ có nhiều cụm tuyến dân cư, nhu cầu sử dụng nước của khu vực lớn. Để đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên NDĐ, cần tập trung điều tra, thăm dò khai thác nước nhạt trong tầng này, chiều sâu 260 ÷ 280m ở nửa phía bắc và 280 ÷ 340m ở nửa phía nam. Nước nhạt có chất lượng tốt, nằm trong vùng giàu nước đến trung bình, có thể thiết kế giếng khai thác ở qui mô công nghiệp với lưu lượng 1.000m3/ngày/giếng.

Tầng chứa nước Miocen trên:  

Trong tương lai cần điều tra, thăm dò khai thác nước trong tầng này trên toàn diện tích phân bố nước nhạt, chiều sâu 320m ở nửa phía bắc và 380m ở nửa phía nam. Nước nhạt có chất lượng tốt, nằm trong vùng giàu nước đến trung bình, có thể thiết kế giếng khai thác ở qui mô công nghiệp với lưu lượng 700m3/ngày/giếng.

Đề án làm cơ sở cho định hướng quy hoạch khai thác, phân bổ, bảo vệ, phát triển tài nguyên NDĐ theo hướng bền vững, tham mưu cho UBND tỉnh trong chiến lược khai thác sử dụng nước nói chung và NDĐ nói riêng .

(Hải Lý)