Cũng như nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, đặc biệt ở các lưu vực liên quốc gia khi cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, việc đảm bảo an ninh nguồn nước có vai trò chiến lược, cốt lõi đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Điều 4, Luật tài nguyên nước năm 2012 do Quốc hội nước CHXH Việt Nam ban hành đã nêu sự cần thiết phải đánh giá, dự báo tài nguyên nước cho các lưu vực sông nhằm có những thông tin chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý cũng như có phương án khai thác sử dụng, phân bổ và bảo vệ hợp lý tài nguyên nước. Tại điều 19 của Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước đã nêu rõ, để thực hiện công tác lập quy hoạch tài nguyên nước trên các lưu vực sông cần phải đánh giá tổng lượng tài nguyên nước, lượng nước có thể khai thác sử dụngvà biến động của nó trên từng nguồn nước
Theo nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 03 năm 2013 của Chính phủ, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia là đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ TNMT thực hiện nhiệm vụ quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên thực tế, Công tác dự báo tác nghiệp tài nguyên nước tại Trung tâm mới thực hiện được đối với tài nguyên nước dưới đất, chưa thực hiện đối tài nguyên nước mặt.
Mặc dù công tác dự báo tác nghiệp thủy văn tại Trung tâm KTTV Quốc gia đã được triển khai từ lâu, đóng góp to lớn vào phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, sản phẩm của công tác dự báo tác nghiệp thủy văn trong các năm qua không đáp ứng được yêu cầu bài toán dự bao tài nguyên nước do thường chỉ chủ yếu tiến hành dự báo, cảnh bảo lưu lượng, mực nướctại các cột mốc trạm thủy văn và các vị trí rủi ro thiên tai do nước gây ra (lũ, hạn…). Bài toán tài nguyên nước yêu cầu dự báo nguồn nước tại các điểm dự báo tài nguyên nước như điểm phân bổ nguồn nước, điểm quan trắc, giám sát hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước, cũng như theo diện tại các tiểu lưu vực bộ phận, nhập lưu khu giữa hay các khu sử dụng nước…thì chưa được đầu tư nghiên cứu.
Về phương pháp dự báo, trong khi cách tiếp cận thống kê bộc lộ nhiều nhược điểm và đang tìm hướng phát triển mới thì cách tiếp cận mô hình hóa mô phỏng đang phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là mô hình thông số phân bốtừ khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ về máy tính cũng như hệ thống thông tin địa lý GIS và viễn thám. Tuy nhiên, các phương pháp dự báo theo hướng mới này cũng mới bước đầu triển khai ở lưu vực Sông Hồng, Sông Cửu Long…Chưa có nghiên cứu nào theo hướng này được triển khai đưa vào dự báo tác nghiệp ở khu vực Tây nguyên nói chung và lưu vực Srêpôk nói riêng. Thêm vào đó, hầu hết các nghiên cứu trước đây đều sử dụng các mô hình thương mại đóng gói sẵn và chủ yếu được xây dựng và kiểm định dựa vào các dữ liệu đo đạc truyền thống./.
(Mai Phú Lực)