Đẩy mạnh điều tra đánh giá tài nguyên nước các hải đảo phục vụ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế

Nằm  bờ biển Đông, nước ta có bờ biển dài với hệ thống các quần đảo và đảo rất phong phú, trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Vùng biển Việt Nam có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ các loại với tổng diện tích phần nổi khoảng 1.700km2, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2 là Phú Quốc, Cái Bầu và Cát Bà, 24 đảo có diện tích trên 10km2, 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km2 và khoảng 1.400 chưa có tên. Các đơn vị hành chính  có 12 huyện đảo và 53 xã đảo thuộc 26 tỉnh và thành phố với khoảng 17 vạn người sinh sống. Nước ta có lịch sử phát triển lâu dài gắn liền với biển, khai thác nguồn lợi biển đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu.

Thế kỷ 21 được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng mạnh ra biển để phát triển hội đủ 3 thế mạnh: mạnh về kinh tế biển; mạnh về khoa học biển và mạnh về quản lý tổng hợp biển. Các đảo ở nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Để phát triển kinh tế và phục vụ an ninh quốc phòng, nước nhạt là vấn đề rất quan trọng, không thể đưa từ đất liền ra được và hiện nay chưa  thể sử lý nước biển thành nước nhạt phục vụ cung cấp nước. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày  28 tháng 4 năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu phát triển là “Xây dựng về cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu (gồm cầu cảng, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin và hạ tầng xã hội…) trên các đảo, nhất là các đảo quan trọng, tạo điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế, kết nối các đảo với đất liền và bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc”. Xây dựng các đảo xa bờ như Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cát Bà, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu, Trường Sa… thành những “pháo đài tiền tiêu” để bảo vệ các vùng biển, đảo, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế. Do đó, nhu cầu về nước dùng cho ăn uống sinh hoạt, phát triển kinh tế và phục vụ an ninh quốc phòng rất cao.

DAN1

Để giải quyết vấn đề nước cho các đảo có thể thực hiện các giải pháp như: xây dựng hồ chứa và áp dụng các giải pháp thủy lợi, điều tra đánh giá để khai thác các nguồn nước dưới đất, điều tra đánh giá để lưu trữ nước mưa…

Xây dựng hồ chứa và các giải pháp thủy lợi chỉ thực hiện được ở các đảo lớn. Để thực hiện cấp nước theo hướng này, Chính phủ đã có Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2009, phê duyệt Đề án nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước nhạt và xây dựng hệ thống thủy lợi trên các đảo lớn đông dân cư. Theo đó đến năm 2015 sẽ được xây mới và cải tạo nâng cấp 30 công trình thủy lợi ở 18 đảo thuộc 10 tỉnh gồm: Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên thuộc tỉnh Quảng Ninh; Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ thuộc TP. Hải Phòng; Hòn Mê-Thanh Hóa; Cồn cỏ-Quảng Trị ; Cù Lao Chàm-Quảng Nam; Lý Sơn- Quảng Ngãi; Nhơn Châu- Bình Định; Phú Qúy-Bình Thuận; Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Kiên Hải, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; Hòn Khoai và Hòn Chuối thuộc tỉnh Cà Mâu.

Điều tra, đánh giá để khai thác nước dưới đất và lưu trữ nước mưa có thể thực hiện ở tất cả các đảo. Với nguyên lý „ có nước là có sự sống” được hiểu ngược lại là nơi nào có sự sống thì nơi ấy có nước, chỉ có sử dụng giải pháp nào để tìm ra nước mà thôi. Đảo san hô Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, diện tích chỉ có 0,11 km2 cũng tồn tại nước dưới đất. Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên có sở các kết quả nghiên cứu, đang lập kế hoạch xây dựng hành lang khai thác nước dưới đất để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt ở đây.

Công tác điều tra đánh giá nước dưới đất ở các đảo đã được quan tâm thực hiện ở 28 đảo và quần đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Thanh Lân, Đảo Trần, Vĩnh Thực, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Trà Bản, Trà Ngọ, Thắng Lợi thuộc tỉnh Quảng Ninh; Bạch Long vĩ, Cát Bà, Cát Hải thuộc TP. Hải Phòng;  Cồn Cỏ-Quảng Trị, Lý Sơn-Quảng Ngãi; Phú Qúy-Bình Thuận; Cù Lao Chàm- Quảng Nam; Cù Lao Xanh-Bình Định; Côn Đảo thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu; Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mâu; Quần đảo Bà Lụa, quần đảo Thổ Chu, quần đảo Hải Tặc, quần đảo An Thới, Hòn Rái, Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Chuối thuộc tỉnh Kiến Giang đã được các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Trong đó, 3 đảo đã được thăm dò nước dưới đất là Vân năm 1970, Cát Bà  năm 2005; Phú Quốc năm 2015; Các đảo Thanh Lân, Trà Bản, Lý Sơn, Hòn Chuối và Hòn Tre được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia thực hiện hoàn thành điều tra đánh giá chi tiết tài nguyên nước năm 2016;  Các đảo Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Hòn Khoai được Tổng cục Biển và Hải đảo thực hiện điều tra đánh giá tài nguyên nước trong dự án “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải „  sẽ hoàn thành vào cuối 2017. Các đảo còn lại mới chỉ được điều tra, đánh giá nước dưới đất ở mức sơ bộ. Các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành nghiên cứu tổng hợp tài nguyên nước tại 9 đảo gồm: Cô Tô, Ngọc Vừng thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bạch Long Vĩ – TP Hải Phòng, Hòn Mê-Thanh Hóa, Cồn Cỏ-Quảng Trị, Phú Qúy- Bình Thuận, quần đảo Trường Sa- Khánh Hòa, Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Hòn khoai thuộc tỉnh Cà Mâu. Công tác lập quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước chỉ được lập ở một đảo duy nhất là đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiến Giang. Như vậy đã có 31/32 đảo theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày  28 tháng 4 năm 2010 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, đã được điều tra đánh giá tài nguyên nước ở các mức độ khác nhau. 1 đảo duy nhất còn lại theo Quyết định này chưa được điều tra đánh giá tài nguyên nước là Hòn Nghệ thuộc tỉnh Cà Mâu. Các điều tra, đánh giá tài nguyên nước kể trên tuy còn ở mức khái quát hoặc sơ bộ, song đã chỉ ra rằng, tất cả các đảo đều có nước, phần lớn các đảo đều có nước dưới đất với tiềm năng  lớn, đủ để đáp ứng cung cấp cho các nhu cầu tại chỗ.

Thu gom nước mưa vào mùa mưa, tích trữ vào lòng đất để sử dụng quanh năm là biện pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao được áp dụng ở nhiều quốc gia khan hiếm nước có trình độ khoa học-công nghệ cao trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ân Độ, Đức, Đan Mạch… Singapo là 1 trong những Quốc gia đã có những biện pháp tiên tiến hữu hiệu nhất thu gom được toàn bộ nước mưa rơi trên lãnh thổ, không để chảy ra biển một cách lãng phí dù chỉ một giọt, có thể áp dụng được ở các đảo của nước ta, với công nghệ thu gom đưa nước mưa vào các tầng chứa nước nhờ các hố đào, giếng, hào rãnh, bồn thấm kết hợp với khoan một số lỗ khoan nông. Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang có đề án thu gom nước mưa vào lòng đất sau đó xây dựng hành lang khai thác nước dưới đất để sử dụng ở đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa công suất 50 m3 cho mỗi một ngày. Hiện nay, Bô Tài nguyên và Môi trường cũng đang cho triển khai một đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ về lĩnh vực này làm tiền đề cho việc áp dụng các biện pháp thu gom nước mưa vào lòng đất ở các đảo của nước ta.

Tuy nhiên để đáp ứng các yêu cầu cụ thể về nước, cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra, đánh giá các nguồn nước: nơi nào còn trắng thì phải thực hiện điều tra,  nơi nào mới điều tra ở mức khái quát thì tiến hành điều tra lên mức sơ bộ, nơi nào mới điều tra ở mức sơ bộ thì điều tra, đánh giá tỷ mỷ… Có như vậy mới đảm bảo khai thác sử dụng bền vững, hiệu quả và hợp lý tài nguyên nước.Trước mắt tập trung điều tra đánh giá tài nguyên nước ở 32 đảo trong danh sách kèm theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ để phục vụ các yêu cầu bức thiết phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng hiện nay, đảm bảo cho các đảo nhất là các đảo xa bờ thực sự trở thành những “pháo đài tiền tiêu” để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, kết hợp phát triển kinh tế để có những nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế quốc dân.

Điều tra đánh giá và xây dựng các công trình cấp nước ở các đảo là một việc rất cấp bách./.

(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)