Xâm nhập mặn nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long – Đâu là yếu tố quyết định?

Vài năm trở lại đây, tình trạng xâm nhập mặn ở Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp. Không chỉ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long mà ngay cả các tỉnh dọc miền Trung cũng đang có dấu hiệu bị xâm nhập mặn. Vậy đâu là yếu tố quyết định đến việc xâm nhập mặn?

Xâm nhập mặn là vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều chính quyền địa phương, vấn đề này đã được nỗ lực giải quyết trong bối cảnh đang diễn ra biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tăng nhiệt độ, khai thác nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển, những nguyên nhân này đang làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn.

Một trong những trở ngại thiên nhiên chính của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hiện tượng xâm nhập mặn vào mùa khô, ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất nông nghiệp mà còn cấp nước sinh hoạt và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển. Trong điều kiện phát triển cả ở thượng lưu và nội tại ĐBSCL hiện nay, cộng với tác động của biến đổi khí hậu-nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng trở nên phức tạp hơn, khó giải quyết hơn, nên rất cần xem xét kỹ nguyên nhân để tìm ra một giải pháp cơ bản cho vấn đề này. 

Theo trung tâm phân tích của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nasati), trong tự nhiên, bề mặt phân cách giữa nước ngọt và nước mặn hiếm khi ổn định. Quá trình bổ sung nước hoặc khai thác nguồn nước ngầm đều dẫn đến sự dịch chuyển bề mặt phân cách giữa nước ngọt và nước mặn từ vị trí này sang vị trí khác. Sự dịch chuyển đó có thể làm mực nước dâng lên hoặc hạ xuống tùy thuộcvào việc nước ngọt đổ vào tầng ngậm nước tăng hay giảm. Do đó, sự thay đổi lượng nước ngầm gây ảnh hưởng trực tiếp đến xâm nhậpmặn. Tình trạng này sẽ tăng nhanh hơn nếu giảm bổ sung nước ngầm.

Những thay đổi do biến đổi khí hậu như lượng mưa và nhiệt độ, thay đổi mục đích sử dụng đấ tcũng có thể làm thay đổi đáng kể tốc độ bổ sung nước ngầm cho các hệ thống tầng ngậm nước, gây ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn.

Đâu là yếu tố quyết định đến xâm nhập mặn? 

Phân tích của Nasati cũng cho hay, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chu trình thủy văn thông qua thay đổi mô hình lượng mưa, lượng nước bốc hơi và độ ẩm của đất. Lượng mưa có thể tăng hoặc giảm và phân bố không đồng đều trên toàn cầu. Hiện tượng này sẽ làm thay đổi lượng nước ngầm được bổ sung, đồng thời thay đổi tốc độ xâm nhập mặn vào tầng ngậm nước ven biển. Vì vậy, thông tin về các tác động của biến đổi khí hậu ở địa phương hoặc khu vực,các quá trình thủy văn và tài nguyên nước ven biển trở nên rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các hoạt động thay đổi mục đích sử dụng đất và quản lý đất cũng có thể làm thay đổi trực tiếp đến hệ thống thủy văn, chế độ bốc hơi nước và dòng chảy. Do đó, sử dụng đất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá nguồn nước ngầm

Đối với các cửa sông tiếp giáp với biển, hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào các sông xảy ra khá phổ biến, đặc biệt vào mùa khô. Khi đó lượng nước từ sông đổ ra biển giảm, thủy triều từ biển sẽ mang nước mặn lấn sâu vào lòng sông làm cho nước sông bị nhiễm mặn. Nồng độ mặn sẽ giảm dần khi càng tiến sâu vào đồng bằng.

Mức độ xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Lượng nước từ thượng nguồn đổ về, lưu lượng càng giảm, nước mặn càng tiến sâu vào đất liền; Biên độ triều vùng cửa sông: vào giai đoạn triều cường, nước mặn càng lấn sâu vào; Địa hình: địa hình bằng phẳng là yếu tố thuận lợi cho sự xâm nhập mặn.

Các yếu tố khí tượng: gió từ biển hướng vào đất liền, nhiệt độ cao, mưa ít, … sẽ là tác nhân làm mặn lấn sâu vào nội địa; Hoạt động kinh tế của con người: Nhu cầu sử dụng nước ngọt vào mùa khô tăng sẽ làm giảm nguồn nước ngầm, làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn.

Việt Nam là quốc gia có trên 3000 km bờ biển, tập trung hàng triệu người sinh sống và khai thác các nguồn lợi từ biển. Xâm nhập mặn diễn ra tại hầu hết các địa phương ven biển, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại những cửa sông đổ ra biển. Hai đồng bằng rộng lớn của Việt Nam là Đồng bằng Sông Hồng và ĐBSCL là những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, phần nào hạn chế được tình trạng xâm nhập mặn nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp thì trong thời gian tới, hiện tượng xâm nhập mặn vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống các khu vực này, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, vựa lương thực của cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Dân số và kinh tế cùng ven biển ĐBSCL lại chiếm một vị trí trọng yếu cho quá trình phát triển của cả đồng bằng này. Do vậy, bất kỳ một tác động bất lợi nào làm mất ổn định cho vùng này, mà điển hình hơn cả là xâm nhập mặn ngày càng sâu, sẽ phải được xem xét và kiểm soát.