Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.
Về hạn hán và xâm nhập mặn: nhu cầu sử dụng nước phía thượng lưu sông Mê Kông ngày một gia tăng, đặc biệt là nhu cầu tưới cho nông nghiệp đều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình hạn hán xảy ra vào các tháng mùa khô ở một số vùng trong châu thổ do thiếu hệ thống cấp nước và do xâm nhập mặn. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long rất phức tạp. Sự xâm nhập mặn khác nhau qua từng năm, phụ thuộc vào mức độ lũ năm trước, khả năng cung cấp nước ngọt từ thượng nguồn trong mùa khô, tình hình sản xuất lúa vụ Hè –Thu và thời điểm bắt đầu mùa mưa. Tình trạng thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn sâu hơn, cùng với tác động của nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng.
Sạt lở trên các hệ thống sông Sạt lở đất bờ sông nhiều và thường diễn ra: Các đoạn sông cong gấp khúc có mặt cắt ngang bị thu hẹp đột ngột điển hình nhất là đoạn cua cong Tân Châu. Các đoạn sông phân dòng không cân xứng bởi hệ thống cù lao dẫn tới trục động lực lòng sông và chủ lưu dòng chảy đi lệch hẳn về một bờ sông của một nhánh sông, điển hình nhất là đoạn sông Hậu chảy qua TP Long Xuyên. Các đoạn sông rẽ nhánh không cân xứng dẫn tới trục động lực lòng sông, chủ lưu dòng chảy đi lệch hẳn về một nhánh, dồn dòng chảy đi vào sát một bên bờ của nhánh đó, điển hình nhất là sông Vàm Nao.
Đặc biệt nhất là vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang có xu hướng thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa và mực nước biển theo chiều hướng bất lợi. Biến đổi khí hậu làm thay đổi diễn biến mưa cả vể lượng và phân bố. Các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo xuất hiện nhiều hơn và có các tác động mạnh mẽ hơn. Cùng với nước biển dâng, tác động xâm thực bờ biển trong khu vực sẽ tăng lên đột biến. Những năm gần đây sự phát triển “hướng ra biển” càng ngày càng gia tăng vì vậy các thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai vùng ven biển đối với con người và của cải ngày càng lớn, đặc biệt đối với nước ta khi còn chưa có những quy họach phát triển bền vững vùng ven biển có xét đến quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khi nước biển dâng, mặn truyền sâu hơn trên các sông chính dẫn đến nguy cơ phá vỡ các dự án ngọt hóa do các cửa “lấy ngọt” của các dự án sẽ bị nhiễm mặn. Nhìn chung, hầu hết các dự án ngọt hóa hiện nay ở ĐBSCL sẽ đối diện với nguy cơ bị phá vỡ rất nghiêm trọng dưới tác động của nước biển dâng trong tương lai.
Các vấn đề đó nói chung sẽ gây ra những vấn đề nhỏ phát sinh theo từ việc suy giảm tài nguyên nước ngầm, nước mặt, lũ lụt, khô hạn, suy giảm tài nguyên rừng, ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội… Từ các vấn đề trên. Các nhà quản lý quy hoạch sẽ có cái nhìn chung nhất cho việc quy hoạch xây dựng các giải pháp phòng chống, giảm thiểu, ứng phó.
(Hải Lý)