Xác định lượng nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong phương trình cân bằng nước

Lượng nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu là một trong những nhu cầu cơ bản của cuộc sống con người. Không có nước, con người không thể sống qua vài ngày. Việc thiếu hụt tiếp cận với nguồn cung cấp nước có thể dẫn tới sự lan tràn dịch bệnh. Bệnh dịch tiêu chảy do thiếu nguồn cung cấp nước, thiếu vệ sinh gây ra cái chết của 1,73 triệu người mỗi năm. Điều này làm cho bệnh dịch này nguy hiểm thứ 6 ở trên toàn cầu (WHO,2000). Các bệnh dịch khác liên quan đến nguồn nước kém chất lượng, thiếu vệ sinh như bệnh đau mắt hột, bệnh sán máng, giun đũa, sốt rét.

Trong năm 2000, khoảng một phần 6 dân số thế giới (1,1 tỉ người) thiếu phương tiện để tiếp cận được các nguồn nước trong phạm vi 1 km quanh nhà họ (WHO and UNICEF,2000). Việc tiếp cận được với các dịch vụ về nước là một trong những nhân tố quan trọng của chỉ số nghèo đói của con người cho các nước đang phát triển (UNDP, 1999).

Theo hướng dẫn về chất lượng nước uống, WHO định nghĩa lượng nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu là “nước dùng cho các nhu cầu hàng ngày bao gồm tiêu thụ, tắm, nấu ăn”, ba loại sử dụng chủ yếu cho nhu cầu nước là:

– Tiêu thụ (ăn uống);

– Vệ sinh (các nhu cầu cơ bản cho cá nhân và vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày);

– Sử dụng tiện nghi (ví dụ: rửa xe, tưới cỏ…).

Trong nghiên cứu của White et.al 1972 cho rằng 2,6 lít nước mỗi ngày bị mất do quá trình hô hấp, ra mồ hôi, tiểu tiện. Ngoài ra, một lượng lớn nước cũng bị mất do làm việc vất vả. Những số liệu này dẫn đến kết luận nhu cầu nước tối thiểu cho người dân vùng nhiệt đới gió mùa là 3 lít/ ngày.

Nhu cầu nước cho quá trình thủy hóa (qua tiêu thụ trực tiếp hoặc thức ăn) bình quân là 2 lít cho người lớn trong điều kiện bình thường, tăng lên 4,5 lít trong điều kiện khắc nghiệt ở vùng nhiệt đới gió mùa.

Giới hạn tuổi

Lượng nước (lít/ người)

Điều kiện bình thường

Lao động bình thường trong nhiệt độ cao

Tổng nhu cầu khi mang thai/ cho con bú

Phụ nữ

2,2

4,5 4,8 (mang thai)

5,5 (cho con bú)

Đàn ông

2,9

4,5

 

Trẻ con

1,0

4,5

 

Nước cũng là một thành phần quan trọng cho việc chuẩn bị thức ăn. Một nghiên cứu cho rằng lượng nước dùng cho nấu ăn là một trong những tác nhân quan trọng của bệnh tiêu chảy ở trẻ em trên 3 tuổi. Tuy nhiên định nghĩa lượng nước cho nấu ăn là tương đối khó khăn, do tùy thuộc vào bữa ăn và vai trò của nước trong việc chuẩn bị thức ăn. Gleick (1996) đề nghị 10 lít nước một ngày dùng cho việc nấu ăn trong khi Thompson et. al. (2001) chỉ ra rằng ở Đông Phi chỉ có khoảng 4,2 lít nước/ ngày dùng cho nhu cầu ăn uống. Tuy nhiên, trong một cuộc điều tra ở khu vực đô thị ở Jaipur, Ấn Độ, bình quân tiêu thụ nước là 183 đến 215 lít/ người/ ngày lần lượt cho một hộ gia đình và cho căn hộ. Việc tắm rửa và vệ sinh chiếm tỉ lệ cao nhất trong việc tiêu thụ nước. Ngoài ra việc tiêu thu nước trên đầu người tỉ lệ nghịch với số lượng người trong một gia đình.

Lượng nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu là một thành phần tham gia vào phương trình cân bằng nước. Sau khi tính toán được lượng nước đảm bảo nhu cầu thiết yếu và các thành phần khác, kết quả của phương trình cân bằng nước sẽ là cơ sở để xác định bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian trên lưu vực sông, góp phần giải quyết bài toán quy hoạch phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông; phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng.