Tổng quan tình hình nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí bảo vệ các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ khi thi công xây dựng công trình ngầm

Trên thế giới

Những năm gần đây trên thế giới đã có những công trình nghiên cứu tác động của những công trình ngầm đến nước dưới đất như: Năm 9/2015 Aurelie Lame đã nghiên cứu Mô hình thủy văn của các tầng chứa nước tại Paris và tác động của các công trình ngầm; Năm 2015 tập thể tác giả Yong-Xia Wu, Shui-Long Thần, Ye-Shuang Xu, và Zhen-Yu Yin đã có thí nghiệm quan trắc đặc điểm của quá trình thấm nước dưới đất với tường cắt ngang trong tầng chứa nước cuội sỏi ở Hàng Châu, Trung Quốc; Năm 2010 tập thể tác giả Tadanobu Nakayama, Masataka Watanabe, Kazunori Tanji… đã nghiên cứu Ảnh hưởng của các công trình ngầm đến suy giảm chất lượng nước ở môi trường ven biển khu vực đồng bằng Kanto – Nhật Bản; Năm 2012 tập thể tác giả Y.S Xu, S.L.Shen, J.C.C đã nghiên cứu hiệu ứng cắt ngang quá trình thấm của các tầng chứa nước do công trình ngầm ở Thượng Hải; Năm 2014 tập thể tác giả Guanyong Luo, Hong Cao, Hong Pan đã có các nghiên cứu phân tích số học các tác động của công trình ngầm đối với dòng chảy ngầm ở Quảng Châu, Trung Quốc tại đây trầm tích đệ tứ rất mỏng, với độ sâu chỉ khoảng 11 m….. Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra tác động của việc thi công xây dựng các công trình ngầm đến nước dưới đất:

+ Gây cản trở dòng chảy tự nhiên của nước ngầm, gây ảnh hưởng đến nguồn bổ cập; Phá vỡ cấu trúc các tầng chứa nước, làm giảm thể tích chứa nước các tầng chứa nước; giảm tính thấm của các tầng chứa nước. Như vậy gây suy giảm trữ lượng các tầng chứa nước;

+ Sự rò rỉ chất bẩn (từ mạng lưới thoát nước, nước bị ô nhiễm, nhiễm bẩn bên trên) thấm xuống di chuyển đi vào các tầng chứa nước làm thay đổi chất lượng các tầng chứa nước;

– Trên thế giới đã sử dụng một số phương pháp để nghiên cứu những tác động này như: nghiên cứu cấu trúc ĐCTV; nghiên cứu quy trình thi công, khảo sát hiện trạng các công trình ngầm; quan trắc mực nước, mực áp lực, quan trắc chất lượng nước và sử dụng các mô hình số học nước dưới đất được thực hiện để phân tích định lượng một cách chính xác. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu trên đã nghiên cứu đánh giá tác động của việc xây dựng các công trình ngầm đến nước dưới đất, chưa đề xuất các bộ tiêu chí để bảo vệ các tầng chứa nước dưới đất.

Ở Việt Nam

Quá trình hiện đại hóa các đô thị tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, các công trình xây dựng ngầm được quy hoạch và triển khai thi công xây dựng ngày càng nhiều với quy mô lớn nhỏ khác nhau như các công trình: móng cọc khoan nhồi, tuyến Metro, tầng hầm các công trình xây dựng đã tác động đến các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ:

Suy giảm trữ lượng các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ:

– Phá vỡ cấu trúc các tầng chứa nước;

– Làm giảm thể tích chứa nước các tầng chứa nước;

– Làm thay đổi hướng vận động, động thái nước dưới đất;

– Giảm tính thấm của các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ, giảm lượng bổ cập cho các tầng bên dưới.

Thay đổi chất lượng các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ:

– Nước bị ô nhiễm, nhiễm bẩn từ trên mặt có thể thấm xuống di chuyển vào các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ bên dưới (từ tầng chứa nước Holocene vào tầng chứa nước Pleistocene) làm biến đổi chất lượng các tầng chứa nước này.

sp40

Hiện nay ở nước ta khi thi công các công trình móng cọc khoan nhồi, tuyến Metro, tầng hầm chưa có đánh giá tác động cũng như chưa có các quy định về bảo vệ các tầng chứa nước này. Chính vì vậy, nghiên cứu đánh giá được tác động và từ đó xây dựng bộ tiêu chí nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, bảo vệ các tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ khi xây dựng công trình ngầm là hết sức cần thiết.