Tiềm năng, hiện trạng khai thác nước dưới đất tỉnh Thái Bình

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về năng lượng và nước. Mặc dù hai lĩnh vực này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, song các chính sách phát triển năng lượng hiện tại chưa xem xét đầy đủ tới tác động của ngành này đến an ninh nguồn nước. Trong khi an ninh nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như suy giảm về cả số lượng và chất lượng. Những thách thức này càng đáng báo động hơn nữa trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng.

Theo Ủy ban về Nước của Liên hiệp quốc, an ninh nguồn nước là “khả năng của dân cư được tiếp cận đủ nước với chất lượng cần thiết để duy trì sinh kế, phục vụ nhu cầu cá nhân, và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo bảo vệ khỏi ô nhiễm phát sinh từ nguồn nước, tránh được những thiên tai liên quan đến nguồn nước, và bảo tồn các hệ sinh thái trong một bầu không khí hòa bình và ổn định chính trị”.  

Tỉnh Thái Bình là một trong vùng duyên hải dồng bằng Bắc Bộ đang phát triển về kinh tế biển cũng như nông nghiệp – vựa lúa miền Bắc nước ta. Vì vậy, đánh giá tiềm năng hiện trạng sử dụng nước tỉnh Thái Bình góp phần xây dựng phát triển kinh tế tỉnh nói riêng và góp phần phát triển đất nước nói chung.

Báo cáo Lập bản đồ địa chất thuỷ văn – Địa chất công trình vùng Thái Bình do Lại Đức Hùng chủ trì, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thực hiện năm 1996 đã điều tra đến mức độ sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên diện tích gần như toàn tỉnh, đạt 1.270 km2. Báo cáo đã đánh giá đặc điểm địa chất thuỷ văn dưới sâu qua hút nước thí nghiệm tại 32 lỗ khoan, độ sâu nghiên cứu sâu nhất đến 470m. Kết quả điều tra với mức độ nghiên cứu sâu hơn đã khoanh định và đánh giá đặc điểm địa chất thuỷ văn, thuỷ hoá của tất cả 4 tầng chứa nước chính đã phân chia trong các giai đoạn điều tra của các báo cáo trước đó. Báo cáo đã tái khẳng định đối tượng chứa nước triển vọng nhất cho khai thác, sử dụng nước dưới đất trong tỉnh Thái Bình là tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Pleistocen, xác định lại diện tích phân bố nước nhạt của tầng là 602,4 km2 tạo thành dải liên tục phía bắc tỉnh, thuộc các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ và một phần huyện Thái Thuỵ. Báo cáo cũng đánh giá được tiềm năng nước khoáng, nước nóng trong tầng chứa nước Neogen đã và đang là đối tượng thăm dò, khai thác mang lại hiệu quả kinh tế.

Việc đánh giá đặc điểm địa chất thuỷ văn và số lượng chất lượng nước dưới đất dưới sâu đã được tiến hành qua hút nước thí nghiệm tại 21 lỗ khoan, độ sâu nghiên cứu lớn nhất đến 399m, báo cáo đã đánh giá mức độ chứa nước và triển vọng khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất của 4 đơn vị chứa nước (3 tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ và 1 tầng chứa nước thuộc trầm tích Neogen), trong đó tập trung chủ yếu vào đối tượng chứa nước triển vọng nhất là tầng chứa nước Pleistocen; đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất trong phạm vi phân bố nước nhạt của tầng chứa nước Pleistocen (439 km2 thuộc phía bắc, tây bắc của tỉnh) là cấp C1: 21.000 m3/ngày, cấp C2: 178.796 m3/ngày. 

Qua các kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích về tài nguyên nước dưới đất trong các trầm tích Đệ tứ ở tỉnh Thái Bình từ dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ” do Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước thực hiện năm 2016 cho thấy:

– Tỉnh Thái Bình có 3 tầng chứa nước trong trầm tích Đệ tứ  là qh2, qh1 và qp. Trong đó tầng chứa nước qh1 bị mặn hoàn toàn không có ý nghĩa sử dụng. Tầng chứa nước qh2 có mức độ chứa nước không đồng đều, nhìn chung thuộc tầng nghèo nước, tầng chứa nước có tổng khoáng hoá M biến đổi phức tạp, nước mặn và nhạt đan xen không có quy luật, chất lượng không đảm bảo để làm nguồn cấp nước trực tiếp cho mục đích ăn uống, sinh hoạt. Tầng chứa nước qp là tầng chứa nước chính của tỉnh, có mức độ chứa nước trung bình đến giàu, có chế độ thủy hóa rất phức tạp. Những nơi tồn tại nước nhạt tầng qp là đối tượng khai thác của các công trình khai thác tập trung kiểu công nghiệp trong tỉnh.

– Trữ lượng nước dưới đất của Thái Bình không lớn (trữ lượng khai thác tiềm năng các khu vực nước nhạt là 830.000 m3/ngàyđêm). Như vậy, nước dưới đất không đủ cung cấp cho nhu cầu của địa phương trong tương lai (tính đến năm 2020 là 1.031.053 m3/ngàyđêm). Do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất và dân sinh trong tỉnh đã làm suy giảm trữ lượng của tầng qh trong thời gian qua (mực nước trong các lỗ khoan quan trắc giảm hàng năm với mức giảm trung bình từ 0,11 đến 0,13 m).
– Nước dưới đất trong tỉnh đã và đang có dấu hiệu nhiễm bẩn bởi các kim loại như Mn, Fe, (một số nơi là As), các chất hữu cơ như COD, PO4, NO2 và vi khuẩn gây bệnh.

– Có nhiều rất nhiều nguyên nhân gây suy thoái nguồn nước dưới đất trong vùng nghiên cứu, bao gồm các nguyên nhân tự nhiên và các nguyên nhân nhân tạo do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng gây ra.

Để có thể đảm bảo lượng nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh trong thời gian tới, cần bảo vệ được các tầng chứa nước trước các nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm mặn và cạn kiệt, địa phương cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về thể chế, chính sách và kỹ thuật cụ thể đối với từng khu vực trong tỉnh.