Thực trạng và nguyên nhân thiếu nước của đồng bằng sông Hồng

Được xếp vào loại hình thiên tai có rủi ro không lộ diện nhưng hạn hán là thảm họa thầm lặng mà nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của con người, có khả năng hủy diệt lớn. Ngày nay, hạn hán đã trở thành dạng thiên tai  phổ biến trên thế giới và đã trở thành thách thức toàn cầu.
Trong những năm gần đây, hạn hán đã xuất hiện trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ các khu vực ẩm đến vùng bán khô hạn và là nguyên nhân hình thành các vùng đất hoang hóa dẫn đến sa mạc hóa; thiên tai hạn hán đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, mất ổn định xã hội cũng như gây tác động xấu đến môi trường.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có nền văn minh lúa nước phát triển rất lâu đời và là 1 trong 2 vựa thóc lớn của đất nước do có nguồn tài nguyên đất và nước rất phong phú; tuy nhiên trong những năm gần đây hạn hán, thiếu nước dùng xảy ra liên tục trên diện rộng, đặc biệt trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội trong vùng.
Từ năm 2001 đến nay dòng chảy mùa kiệt nhỏ đã
gây trở ngại cho các nhu cầu kinh tế, dân sinh và môi trường ở hạ lưu. Mực nước các cống lấy nước tự chảy vào hệ thống và các trạm bơm tưới hai bên bờ hệ thống sông Hồng luôn thấp, gây khó khăn và hạn chế công suất hoạt động của các trạm bơm tưới như phải giảm số máy bơm, kéo dài thời gian bơm. Đặc biệt giai đoạn đổ ải yêu cầu lấy nước tập trung chủ yếu trong tháng 2 khi đó mực nước các sông trục nội đồng dẫn vào các trạm bơm thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn so với thiết kế.
Một trong các nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ và nước biển dâng cao: Theo kịch bản thấp nhất vào năm 2020 vùng đồng bằng bắc bộ nhiệt độ tăng 0,60C, lượng mưa về mùa khô giảm ở hầu hết các vùng khí hậu nước ta và lượng mưa thời kỳ từ tháng III đến tháng V sẽ giảm từ 3 đến 6%. Nghiên cứu về kịch bản thấp nhất nước biển dâng vào năm 2020 cho thấy mực nước biển dâng cao hơn 0,11m . Ngoài ra còn do tính phức tạp của dòng chảy sông ở hạ du về mùa kiệt và nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế tăng cao làm cho xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu về thượng nguồn.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do lưu lượng thượng nguồn giảm, vận hành khai thác không hợp lý các công trình phục vụ đa mục tiêu và đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành sử dụng nước chưa chặt chẽ dẫn đến tranh chấp nguồn nước giữa nhu cầu nước cho phát điện với sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy và môi trường sinh thái trong đó chưa quan tâm đúng mức đến việc thau chua, rửa mặn của các tỉnh ven biển ĐBSH.